Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu góp ý về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sáng cùng ngày, các ĐBQH tập trung cho ý kiến về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Góp ý về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu và cụ thể hóa nhiều nội dung để tường minh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, trong đó có hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, về số lượng thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng quy định tại Điều 41 Khoản 1 quy định: Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có ít nhất 5 thành viên gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, ban thanh tra Nhân dân xã, phường, thị trấn và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố nơi có chương trình, dự án. Như vậy là luật không giới hạn thành viên của Ban giám sát cộng đồng. Đại biểu cho rằng, thông thường quy định việc thành lập một tổ chức có quy định số lượng tối đa để đảm bảo về tài chính, về kinh phí cũng như hiệu quả hoạt động. Việc chỉ quy định mức tối thiểu không quy định số lượng thành viên tối đa có thể dẫn tới thành lập với số lượng nhiều hơn và chưa chắc đã hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước do cấp xã bảo đảm.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính chặt chẽ khi áp dụng vào thực tế. Tại Khoản 1, Điều 41 dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định: Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, theo đại biểu quy định như vậy là chưa phù hợp. Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn đã được dự thảo luật quy định tại Điều 43, có thể thấy hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn cấp xã rất nhiều và có sự tác động lớn. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có quyết định giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sẽ bảo đảm tính chặt chẽ trong hoạt động của Ban giám sát đầu tư, của cộng đồng.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, quy định tại Điều 43, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung. Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1 như dự thảo là chưa phù hợp với thẩm quyền, có thể dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Vì khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư, các Ban của Hội đồng nhân dân phải tiến hành kiểm tra và hoàn thiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân đã có cử tri, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 43 quy định: yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Dự thảo luật cũng quy định: yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, việc giao quyền cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng như dự thảo là quá lớn, trong khi đây chỉ là một tổ chức phục vụ cho việc theo dõi, giám sát theo từng chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã, thôn, tổ. Hơn nữa, năng lực chuyên môn không đủ, mà cũng không thể đáp ứng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định này cho phù hợp với quy mô, tổ chức và trình độ năng lực của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Kết luận nội dung thảo luận Luật thực hiện dân chủ cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần làm việc rất khẩn trương, sôi nổi trong buổi sáng 7/9, có 14 ĐBQH đăng ký phát biểu, 14 đại biểu đều đã thực hiện việc phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, các ý kiến phát biểu của các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung chính của Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và hai dự thảo luật đã được chỉnh lý. Đồng thời, tham gia thêm nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, trí tuệ, trách nhiệm cao, góp ý nhiều nội dung cụ thể, quan trọng với mong muốn tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thọ Linh