Giờ thực hành của học viên ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế

Khung cửa đại học vẫn hẹp

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, nhiều học sinh than ngắn, thở dài khi điểm thi không được như mong đợi. Em Trần Anh Khoa cho biết: "Kỳ thi này, em đạt 19,5 điểm (tổ hợp 3 môn toán, hóa, sinh) và 18 điểm (tổ hợp toán, lý, hóa). Em đăng ký 3 nguyện vọng, ứng với 3 khối ngành tại 3 trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Với điểm số này, em lo lắng mình sẽ không đỗ nguyện vọng nào. Thế nên, gia đình cũng tính nhiều phương án nếu trượt đại học”.

 Tương tự, nữ sinh Đào Ngọc Anh mong muốn sẽ đỗ vào Trường đại học Xã hội Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, song với điểm số "khiêm tốn" mà em đạt được từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 khó đáp ứng kỳ vọng của mọi người. "Bố mẹ em cũng rất buồn. Mấy ngày nay, mọi người cố gắng động viên nếu chẳng may không trúng tuyển. Tuy nhiên, em vẫn cảm thấy "rối như tơ vò" và chưa biết tính sao ".

Đại học vẫn là lựa chọn của đa số của học sinh sau kỳ thi khi có đến gần 92% đăng ký dự thi tốt nghiệp năm nay cho biết sẽ tiếp tục xét tuyển vào các trường đại học hoặc cao đẳng. Như vậy, sẽ có hơn 920.000 thí sinh sẽ tranh nhau khoảng gần 550.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Thực tế, tuyển sinh vào các trường đại học chỉ là cuộc đua của khoảng 400.000 học sinh có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực vào khoảng 100 trường đại học. Đa phần học sinh còn lại sẽ xét tuyển theo phương thức học bạ THPT hoặc các phương thức khác vào những trường ít cạnh tranh hơn.

Trường nghề, tại sao không?

Theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ về phân luồng học sinh, đến năm 2025 có ít nhất 45% học sinh sau THPT sẽ chuyển sang học theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp (các trường cao đẳng và các trường trung cấp). Như vậy, ứng với quy định này, năm 2022 chỉ có khoảng 550.000 thí sinh được tuyển vào đại học, còn lại khoảng 450.000 học sinh nếu muốn học tập tiếp thì phải chuyển sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Hơn nữa, theo Luật Giáo dục 2019, học sinh học hết lớp 12 mà không dự thi tốt nghiệp THPT (thậm chí có dự thi tốt nghiệp nhưng không đạt) sẽ được hiệu trưởng trường THPT cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để theo học giáo dục nghề nghiệp.

Tùy vào sở thích và điều kiện, nhiều em có thể chọn học nghề ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Học nghề sẽ không yêu cầu đầu vào hay xét tuyển, không cần phải hoàn thành chương trình THPT hay bị giới hạn về công việc, độ tuổi. Thùy Linh, một học sinh chọn học nghề trong năm nay kể, em thấy nhóm nghề thẩm mỹ phù hợp với em khi ưu điểm của nhóm ngành này chính là thời gian học nhanh chóng chỉ mất vài tháng, chi phí đầu tư không nhiều, không lo thất nghiệp vì nhu cầu xã hội đang tăng cao, chủ động trong công việc, tự chủ kinh doanh.

Tuy nhiên, một số em vẫn đặt quyết tâm chọn học đại học nhưng lại chưa đủ điều kiện đạt nguyện vọng có thể chọn con đường vòng xa hơn một chút, học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học. Em Nguyễn Bảo Anh, TP. Huế, bộc bạch: Thời gian học liên thông lên đại học có phần kéo dài hơn so với học thẳng vào đại học. Bù lại điều kiện để xét tuyển vào trung cấp lại dễ dàng hơn, chỉ cần em hoàn thành chương trình THPT và trong quá trình học em cũng có thể làm thêm một công việc mà mình yêu thích.

Suy cho cùng, việc học trung cấp, học nghề hay học đại học đều hướng đến một việc là có được kỹ năng và kiến thức để tìm được việc làm, phát triển sự nghiệp. Các doanh nghiệp hiện nay cần nhất là kỹ năng thực tế của người làm việc chứ không chỉ chăm chăm vào bằng cấp. Đồng quan điểm, ông Trần Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Công nghệ số 10 cho rằng, có những em học văn hóa không thấy hứng thú, nhưng khi chuyển sang học nghề thì lại học rất tốt và thành công trong công việc sau này. Tuy nhiên, khi chọn nghề, các thí sinh cũng cần phải cân nhắc đó chính là nhu cầu nhân lực trong tương lai. Không nên đổ xô học một ngành có quá nhiều người theo học và đang dư nhân sự về sau này. Cũng không nên chọn những ngành có dự báo thiếu nhân lực. Vì nếu ai cũng có suy nghĩ đó thì chắc chắn trong tương lai, khi ra trường sẽ có nhiều người giống nhau và tỷ lệ cạnh tranh để có việc làm sẽ cao hơn.

Còn có thêm nhiều hướng mở

Cho con đi du học cũng là một hướng mở của nhiều phụ huynh ở Huế khi con không vào được trường đại học ưng ý. Thực tế, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đã ổn định nên du học cũng dần trở lại bình thường. Hầu hết các nước nằm trong xu hướng chọn lựa du học của học sinh Việt Nam cũng đã thông báo các điều kiện cấp visa du học được nới lỏng như trước đại dịch. Học phí của các trường đại học quốc tế danh tiếng hiện cũng nằm trong tầm với của nhiều gia đình học sinh nên du học sẽ là một xu hướng lựa chọn của nhiều học sinh, khi thời điểm tuyển sinh của các trường ĐH nước ngoài bắt đầu từ tháng 8 năm nay.

Đưa ra một cái nhìn khác, chị Nguyễn Ngọc Linh, phụ huynh có con không trúng tuyển đại học chia sẻ, nếu cảm thấy con đường học hành không phù hợp với bản thân, thì còn một "ngôi trường" khác, đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người, đó là… "trường đời". Mỗi chúng ta đều có một kiểu học phù hợp. Con tôi có thể học không giỏi, nhưng lại có thể học rất nhanh từ ngoài đời. Ra đời, hãy đi làm cần mẫn và bằng niềm đam mê để kiếm tiền và có được những bài học quý giá cũng là cách mà chúng tôi hướng con trong thời điểm hiện nay.

Trượt đại học chắc không ai vui. Tuy nhiên, cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Và đại học không phải là cánh cửa duy nhất, mà chỉ là thử thách khởi đầu của cuộc sống dành cho người trẻ. Sau những thất bại, các em biết vươn lên và sống tự tin với chính mình mới là tinh thần của người trẻ thời nay. Các em đã lựa chọn cho mình nhiều con đường, dám sống và đối diện với thất bại sẽ giúp họ chững chạc lên rất nhiều.

Bài, ảnh: An Nhiên