Chương trình mới thay đổi cả về nội dung, phương thức giảng dạy, để hiệu quả, giáo viên cần bỏ ra rất nhiều thời gian công sức để nghiên cứu, tìm tòi mới có thể đáp ứng yêu cầu (ảnh minh họa). Ảnh: MC
Tiền mất, tật mang
Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên được phân công giảng dạy Chương trình SGK mới lớp 1, 2, 6, năm trước và 3, 7, 10 năm nay vẫn còn sự lo lắng nhất định về giáo án trước khi bước vào triển khai. Nắm bắt được “điểm yếu” này, những người chuyên soạn giáo án bắt đầu rao bán trên mạng. Giá đưa ra có thể vài trăm nghìn cho tới hàng triệu đồng, tùy theo giáo án của các khối lớp. Thời điểm này, giáo án theo Chương trình GDPT mới thường “đắt hàng” và có giá cao hơn các lớp theo chương trình GDPT hiện hành.
Cô giáo M.D một giáo viên dạy môn lịch sử THCS ở Phong Điền cho biết, đã từng đặt mua giáo án online trên mạng với mục đích tham khảo, khi xem bài giảng mẫu được gửi thấy khá hay, chị quyết định chuyển khoản tiền (800.000 đồng) theo yêu cầu để nhận file đầy đủ. “Nếu chia ra toàn tổ thì mức phí mỗi người đóng góp mua giáo án soạn sẵn không quá lớn và cũng có tính tham khảo. Tuy nhiên, đến khi nhận được bộ giáo án mới “ngã ngửa” vì nội dung sơ sài, hoàn toàn không thể sử dụng để tham khảo.
Với chất lượng không được thẩm định, giáo án hoàn toàn là sự lượm lặt, cắt cúp từ giáo án này sang giáo án khác, không thật sự cập nhật chuyên môn, soạn thảo cẩu thả… Thế nên, tổ chuyên môn thống nhất tự lực hoàn toàn trong khâu soạn giáo án theo Chương trình GDPT mới. Soạn giáo án giúp giáo viên thêm vững vàng chuyên môn, có cơ hội học hỏi, tìm kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm. Sử dụng giáo án trên mạng vô hình chung khiến giáo viên bị lệ thuộc, không phát huy sáng tạo, tự chủ trong dạy học…”, cô D. bày tỏ.
Giáo viên soạn giáo án để phù hợp với năng lực học sinh (ảnh minh họa)
Ở góc nhìn đa chiều hơn, cô giáo Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu tuyệt giao với các nguồn tài liệu trên mạng sẽ là lạc hậu, giáo viên cũng cần chủ động tìm kiếm những nguồn tài liệu khác nhau. Nhưng nếu bê y nguyên những giáo án trên mạng biến thành của mình thì không thể chấp nhận. Hơn nữa, với mỗi vùng miền, mỗi đối tượng học sinh khác nhau, nội dung và phương pháp giảng dạy cũng sẽ đặt ra những yêu cầu khác nhau mà giáo viên cần giải quyết. Bởi vậy, giáo án phải là sự sáng tạo của giáo viên.
Nói về giáo án soạn mẫu theo Chương trình GDPT mới đang tràn lan trên mạng, nhiều giáo viên cho rằng, không nên trông đợi, kỳ vọng vào hiệu quả, chất lượng. Bởi mỗi người có phương pháp dạy khác nhau nên cách triển khai kiến thức, nội dung bài giảng cũng khác. Giáo án mẫu (nếu có chất lượng) cùng lắm chỉ là một kênh tham khảo. Không nên bị động và trông chờ vào giáo án soạn sẵn.
Không thể áp dụng một giáo án
Tại Trường tiểu học Vĩnh Ninh, mỗi giáo viên đều chú trọng việc soạn kế hoạch dạy học tùy vào đối tượng của học sinh, nhằm truyền đạt kiến thức theo chuẩn kiến thức kỹ năng yêu cầu. Thông qua việc phối hợp sử dụng các phương pháp dạy học, việc tổ chức hình thức dạy học trên lớp và đặc biệt là sự sáng tạo của giáo viên để kích thích sự hứng thú của học sinh trong việc tiếp thu bài học một cách hiệu quả và cũng để nhằm hình thành phẩm chất, năng lực của các em.
Theo cô Giang, để đảm bảo chất lượng triển khai Chương trình GDPT mới, các trường nên phát huy vai trò tổ chuyên môn trong khâu soạn và đưa ra giáo án chung. Sau khi giảng dạy thực tế, giáo viên cần rút ra kinh nghiệm, chỉ ra vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh đề bài giảng hay và phù hợp hơn với học sinh. Hơn nữa, giáo án của người này chưa chắc phù hợp với người kia. Thậm chí, giáo án năm nay không thể dùng cho năm sau, dù đã chuẩn bị công phu kỹ càng...
Trong vai trò quản lý, cô Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh bày tỏ quan điểm không đồng thuận nếu giáo viên “dùng” y nguyên giáo án bán sẵn. Đặc biệt, khi triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 1, 2 và 3, giáo án phải được cá thể hóa để dạy học hiệu quả. Tổ chuyên môn có thể yêu cầu giáo viên cùng khối soạn khung giáo án chung. Sau đó, mỗi giáo viên có thể mở rộng và phát triển giáo án phù hợp với yêu cầu dạy học thực tế. Trong một lớp học, không thể áp dụng 1 giáo án cho tất cả học sinh. Người thầy cần biết đặc điểm tâm lý, khả năng của từng em để có liệu pháp phát triển năng lực phù hợp. Nếu sử dụng giáo án có sẵn sẽ không đáp ứng được yêu cầu đó…”.
Hiện tượng mua giáo án và sử dụng lại chứng tỏ giáo viên thiếu năng lực chuyên môn, chưa chủ động, linh hoạt trong quá trình đổi mới giáo dục… Thực tế này đòi hỏi ban giám hiệu, tổ chuyên môn cần thường xuyên dự giờ, thăm lớp để đối sánh giáo án của giáo viên trên lớp đã đáp ứng, phù hợp với yêu cầu chung của chương trình hay chưa. Bởi, từ giáo án soạn sẵn đến giảng dạy tốt là một khoảng cách và dự giờ sẽ đánh giá được chất lượng giảng dạy thực của giáo viên. Có như vậy mới khơi dậy trong giáo viên sự sáng tạo, chủ động khi xây dựng giáo án, loại bỏ tình trạng soạn, mua giáo án để đối phó.
Huế Thu