Vừa qua, qua thanh tra, Bộ Công thương đã xử phạt hành chính 5 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với số tiền 13 tỷ đồng và sẽ xem xét tước giấy phép kinh doanh vào thời điểm thích hợp. Thời điểm thích hợp là thời điểm nào thì cũng chỉ có Bộ Công thương biết chứ không ai biết. Nhưng thông tin mới nhất từ Bộ Công thương, tạm thời không tước giấy phép kinh doanh của 5 DN như công bố.

Qua vụ việc này, chúng ta thấy, có vẻ như việc xử lý vi phạm đối với các DN kinh doanh xăng dầu bị “mắc kẹt” giữa việc phải thực hiện đúng luật và sự đòi hỏi của thực tiễn. Quản lý Nhà nước phải dựa theo luật là điều khỏi bàn cãi, tức là bất cứ ai, DN nào vi phạm đều bị xử lý công bằng như nhau. Nếu thực hiện đúng luật thì ngoài xử phạt hành chính, cụ thể ở đây là 13 tỷ đồng còn cần thiết áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh. Nhưng nếu làm đúng như vậy để đảm bảo “nghiêm phép nước” thì có thể đưa lại hệ lụy cho nền kinh tế. Chẳng hạn như đơn “cầu cứu” lên Chính phủ của Saigon Petro là: có thể ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường; công ty có thể bị phạt theo hợp đồng với các đối tác trong nước và nước ngoài. Cả ngàn cửa hàng xăng dầu của công ty có thể đóng cửa. Thiệt hại trực tiếp là của DN, nhưng gián tiếp là thiệt hại cho nền kinh tế và nhu cầu về mặt hàng xăng dầu của người dân và DN. Có lẽ đây chính là lý do để Bộ Công thương “tạm rút” hình thức việc xem xét hình phạt bổ sung.

Vậy trong tương lai, chúng ta sẽ xử lý tình trạng “mắc kẹt” này như thế nào? Cũng chưa biết được trong tương lai các DN kinh doanh xăng dầu có vi phạm nữa hay không. Nhưng cũng không ai đảm bảo chắc chắn rằng tình trạng vi phạm sẽ không lặp lại. Nếu nó lặp lại thì tình trạng “mắc kẹt” sẽ vẫn còn. Vì những mối quan hệ chằng chịt của các công ty kinh doanh xăng dầu vẫn còn đó - với các đối tác kinh doanh, với nền kinh tế, hệ thống phân phối bán lẻ, với việc làm của nhân viên... Liệu việc xử lý của Bộ Công thương có lặp lại tương tự - công bố tước giấy phép rồi lại tạm thời rút công bố.

Có vẻ như chúng ta chưa tìm ra được giải pháp xử lý tốt nhất cho vấn đề này. Muốn quản lý Nhà nước được tốt thì phải làm đúng luật. Làm đúng luật đối với các công ty xăng dầu vi phạm thì đảm bảo được sự minh bạch của luật lệ, nhưng lại có tác dụng phụ là ảnh hưởng đến nền kinh tế và có thể cho cả xã hội.

Qua phân tích như trên, chúng ta có thể thấy kinh doanh xăng dầu là một mặt hàng đặc thù. Quản lý việc kinh doanh đặc thù thì chúng ta cần giải pháp đặc thù. Đặc thù ở đây là phải thường xuyên kiểm tra để các DN tuyệt đối làm đúng luật. Chẳng hạn, trước đây mật độ kiểm tra thưa thì bây giờ cần tăng cường mật độ, đảm bảo sự thường xuyên. Việc 5 DN vi phạm cho chúng ta một nhận định đừng mong các DN tự giác làm đúng. Kiểm tra thì đối với lĩnh vực nào cũng cần thực hiện. Đối với mặt hàng xăng dầu cần làm tốt điều này.

NGUYÊN LÊ