Trong tiết thu vàng nắng lấp lóa, mẹ đem mấy tấm chiếu và vỏ chăn gối ra giặt. Rải chiếu ra khoảnh sân giếng chật hẹp, mẹ lịch kịch kéo vòi nước vừa chà vừa dội. Làm xong cũng mất nửa buổi sáng, ngồi nghỉ mệt, mẹ bâng quơ tiếc nhớ: Giá mà nước sông vẫn sạch, bến cũ có còn thì mang ra đó giặt một loáng là xong. Giờ thì…

Câu nói bỏ dở của mẹ bỗng làm tôi hẫng hụt. Nhiều năm qua, con người vì lợi nhuận và lòng tham đã nạo vét lòng sông đến kiệt cùng. Đôi bờ lở xói, công trình bao đê, kè chắn dựng lên, bến cũ được cải hóa, bê tông láng phẳng từ bờ sông vắt qua đê xuôi dốc vào làng. Cũng từ ngày ấy, bến sông không còn ai ra tắm gội, giặt giũ nữa. Người ta sợ, vì chỉ cách bờ mấy bước chân, sông đã sâu hoắm. Chỉ còn duy nhất một thứ vẫn ra vào bến, là chiếc đò ngang chở khách qua lại hai bên sông.

Một thuở làng quê ăn rặt nước sông, nên mỗi ngày khi trời tờ mờ sáng, tôi và chị đã ra sông gánh nước về phục vụ sinh hoạt. Ngày ấy nước sông trong vắt có thể nhìn rõ lớp cát trắng dày dưới đáy. Bến sông dài chừng mươi mét, có mấy cây bông, cây muồi muội và vài rặng tre ở chân đê chườm ra rủ bóng.

Ngày mùa, sau khi tất tả dưới ruộng lên, người ta rủ nhau về bến xổ tung những tấm bạt rải nền thu lúa lên mặt sông mà chà rửa, lau chùi chiếc xe thồ, quang gánh dính bùn đất, rồi đầm mình vào sông như cách xua tan đi mệt nhọc. Quanh năm, bến sông dập dìu người lên xuống. Trong làng, từ ông già bà cả, thanh niên, trẻ con… đều thích ra sông tắm gội, giặt giũ. Ra bến chính là lúc mọi người tận hưởng sự thảnh thơi, hồn nhiên hưởng thụ khoái cảm tuyệt diệu từ mẹ nước. Chúng tôi thường hẹn nhau cùng ra bến, phụ giúp nhau những chậu đồ nặng trĩu khi lên dốc, giặt hộ nhau để cùng về một lượt. Nhớ quãng ngày áp tết, bến sông nhộn nhịp hơn hẳn. Người làng đón xuân từ những ngày ra bến giặt giũ áo quần, chăn gối, cọ rửa nồi niêu, xoong chậu… Những chuyến đò ngang chở các bà các mẹ đi chợ sắm tết, bãi đáp an toàn trên mươi mét bến sông rộn chuyện giá cả, tết to tết bé...

Với lũ trẻ quê chúng tôi, bến sông trở thành nơi quen thuộc sau mỗi lần chơi trận giả, những buổi đá bóng, kéo u… Đã tắm sông thì không thể thiếu trò xây lâu đài cát. Tôi vụng về, vê đắp mãi cũng chẳng khi nào ra hình thù lâu đài, thành lũy. Có chăng chỉ là những ngọn núi gồ ghề cao vút. Sau khi dầm mình dưới nước chán chê, tôi và đám bạn đi dọc bờ sông tìm hái trái muồi muội, nhặt những quả bông già khô. Những quả bông được gom lại, mẹ tách vỏ lấy bông đem phơi, giũ sạch hạt rồi nhồi gối. Tôi đặc biệt thích những chiếc gối ấy, bởi chúng vừa mềm mại lại vừa có tuổi thọ rất cao, dùng nhiều năm vẫn cứ êm mềm.

Nhiều năm xa quê mới lần hồi trở lại, tôi vẫn đi tắt từ đường quốc lộ để qua sông về nhà bằng đò ngang. Đò không đổi chủ, song đã được tân trang và gắn động cơ chạy ầm ầm. Bãi đáp vẫn là nơi bến cũ, nhưng vắng lặng, chỉ có tiếng sóng sông vỗ vào bờ hờ hững. Quê hương đổi mới nhiều, song ở làng giờ chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, thanh niên túa ra phố làm ăn hết cả. Ông bà cấm tiệt trẻ con ra bến, đám nhỏ cũng sợ hãi trước bao mối nguy được người lớn cảnh báo nên chẳng màng tò mò, khám phá như chúng tôi thuở trước.

Tôi yêu miền sông nước, bởi tôi tin rằng nó là mạch nguồn của sự sinh sôi, nảy nở. Là nơi biết bao thân phận, biết bao thế hệ ra đi và mong muốn được trở về… Thế nên khi về ngang bến cũ, nhìn con sông rộng toác nước cuộn một màu vàng ối, thấy dạ bùi ngùi, nao nao nhớ tiếc.

MAI ĐÌNH