Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại vườn hoa Phủ Chủ tịch để các họa sĩ Liên Xô và Việt Nam vẽ và tạc tượng (ảnh của Nguyễn Đăng Định)

Đây là các bức ảnh tư liệu được chọn lọc từ bộ ảnh gồm gần 300 bức về hoạt động mỹ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Trường đại học Nghệ thuật Huế sưu tập hơn 10 năm qua, trong đó có một số tác phẩm do Bác Hồ vẽ và nhiều tác phẩm do các họa sĩ Việt Nam và thế giới vẽ về Người.

Triển lãm mang đến cho người xem những bức tranh với các hình tượng dễ hiểu, cách thức tạo hình ngộ nghĩnh kết hợp giữa thơ với ngôn ngữ bình dân dễ đọc, dễ hiểu, tạo ấn tượng sâu sắc trong tác phẩm của Bác. Đó là bức tranh minh hoạ cụm từ “Việt Nam độc lập” trên Báo Việt Nam Độc lập ngày 21/8/1941; những bút ký minh hoạ của Bác trên Báo Việt Nam Độc lập với bài thơ “Hòn đá to, hòn đá nặng” số ra ngày 1/9/1941;... Qua các tranh vẽ đầy sáng tạo và tinh tế này, Bác Hồ đã vạch rõ bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, lên án những hành động, thủ đoạn của bọn thực dân Pháp cướp đoạt của cải, áp bức quần chúng lao động ở Việt Nam và Đông Dương. Đồng thời, cổ vũ khích lệ tinh thần đấu tranh của Nhân dân, kêu gọi đoàn kết dân tộc.

Bức tranh minh hoạ cụm từ "Việt Nam Độc lập" và bút ký minh hoạ của Bác trên báo Việt Nam Độc lập với bài thơ "Hòn đá to, hòn đá nặng"

Có 25/79 bức ảnh mới được bổ sung và lần đầu tiên được trưng bày tại Huế như bức Bác Hồ với thiếu nhi, tranh khắc gỗ và in giấy dó của Nguyễn Đăng Chế; bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại vườn hoa Phủ Chủ tịch để các họa sĩ Liên Xô và Việt Nam vẽ và tạc tượng, của Nguyễn Đăng Định; Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam của Nguyễn Kim Côn;... Những bức vẽ và ảnh khắc hoạ hình tượng Bác Hồ - vị cha già dân tộc, một nhà tư tưởng, danh nhân văn hoá thế giới nhưng thật gần gũi.

Theo TS.Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, Bác Hồ luôn quan tâm đến sự phát triển văn học nghệ thuật và coi nghệ thuật như là vũ khí tư tưởng trong đấu tranh cách mạng và chính Bác cũng tham gia hoạt động nghệ thuật tạo hình nói riêng và nhiều loại hình nghệ thuật - báo chí khác, hướng nghệ thuật phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng Người không bao giờ nhận mình là hoạ sĩ, là nghệ sĩ dù Người vẽ tranh như một hoạ sĩ biếm hoạ thực sự trên báo Người cùng khổ (Le Paria) trong những năm 20 của thế kỷ trước khi Người hoạt động cách mạng ở Pháp và các báo Thanh Niên, Việt Nam Độc lập,...

“Qua các bức vẽ và sự quan tâm của Người với mỹ thuật, chúng ta thấy rõ tư tưởng chính trị và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ góc nhìn nghệ thuật. Tinh thần nhân đạo cộng sản thấm đượm trong những bài báo, tranh minh hoạ, biếm hoạ của Nguyễn Ái Quốc làm rung động và thấm sâu vào tâm hồn mọi người và thổi bùng lên ngọn lửa ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc... Người là tấm gương về sự sáng tạo nghệ thuật để phục vụ cách mạng, phục vụ quần chúng Nhân dân, vì Nhân dân”, TS.Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật nói.

Cũng tại triển lãm, người xem được có dịp được thưởng lãm các tác phẩm của các họa sĩ trong và ngoài nước bày tỏ tình cảm trân trọng, quý mến và ngưỡng mộ với Bác, với nền tảng tri thức văn hóa sâu rộng, ý thức chính trị trong sáng và mục tiêu lớn lao là giải phóng dân tộc của Bác.

Triển lãm Bác Hồ với mỹ thuật đã đem đến cho người xem những hình ảnh xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những giá trị tư tưởng của Bác - những giá trị tinh thần lấp lánh trong cuộc sống mà như UNESCO đã đánh giá: “Thế giới sẽ thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hoá nhân loại”.  

Ngọc Hà