Chẳng biết bởi màu thu hay bởi lòng mình mà dư âm sau ngày tựu trường rộn rã khắp nơi, tâm hồn tôi vẫn còn rạo rực, xuyến xao, khi lắng chùng niềm thương một thoáng ngẩn ngơ tà áo dài trắng theo chân đến trường suốt thời hoa niên tươi đẹp. Có mơ hồ thiếu nữ Huế đến từ hôm qua, vừa dĩ vãng xa xăm, vừa ngỡ như trước mắt. Có cơn mưa ướt mềm nỗi nhớ, có cơn nắng trải vạt vấn vương về khoảng trời hoa bay xưa cũ với áo dài trắng tinh khôi luôn dành cho tôi những điều kỳ lạ…

Ở quê tôi, bắt đầu lên học lớp 10, hầu như các trường cấp 3 đều quy định nữ sinh mặc áo dài. Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt ngập tràn tin yêu của bố khi hào hứng dẫn tôi đi may 2 bộ áo dài trắng ngay kỳ nghỉ hè lớp 9. Bố thường bảo với tôi, con gái đẹp nhất là khi mặc áo dài và “đợi mãi” cũng tới dịp này - “dấu mốc” mà bố cho rằng con gái bố đã lớn khôn và “ra dáng” người phụ nữ. Áo dài có nhiều loại cổ như cổ tròn, cổ vuông, cổ thuyền, cổ trụ,… Tôi chọn may cổ truyền thống cổ điển, nó kín đáo nhưng dễ tôn lên nét dịu dàng nữ tính. Hầu như nữ sinh chuộng áo dài may bằng chất liệu lụa vì mát mẻ, dịu mềm và trông thướt tha hơn. Khoảnh khắc đêm trước ngày khai giảng, tôi bồi hồi ướm thử áo dài lên người khiến cả nhà cười xòa. Mẹ chỉ cho tôi cách đi đứng, tạo dáng với tà áo dài sao cho nền nã và dặn tôi phải luôn tự hào, trân quý y phục đặc biệt này bởi nó vừa là nét văn hóa đẹp đẽ “thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…” ...

Tôi làm sao quên cảnh cùng chúng bạn làm duyên cùng áo dài trắng lụa là, đầu đội nón lá mộc mạc xứ Huế đạp xe xuyên qua những ban mai sương mờ, qua những góc phố len lỏi nắng ấm dịu nhẹ, qua ngã đường có bồng bềnh mây, có nồng nàn hoa, có chênh chao cánh én cùng nhau đến lớp, tan trường. Ba năm cấp 3 trôi qua như một cái chớp mắt, chúng tôi chụp kỷ yếu với tà áo dài, nam sinh thì mặc áo trắng, quần tây. Cuốn album ảnh còn đây là những ánh mắt, nụ cười trong veo, tươi tắn của cô cậu tuổi 18 để khi nhìn lại, thấy thương và đáng nhớ đến nghẹn ngào miền kỷ niệm đầy ắp mộng mơ, lấp lánh bao giấc mơ, hoài bão.

Là trong một buổi chiều bảng lảng, nụ cười nắng thu cùng hình ảnh “ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…” của ai kia khiến một nam sinh thầm thương trộm nhớ để đêm về viết những vần thơ. Ngày nối ngày sau đó là những bức thư viết tay, những cái hẹn ngồi nghe lao xao gió hát, nhìn mây bay ngang trời nhưng vẫn không quên cùng nhau học tập, phấn đấu. Đó là mối tình đầu năm 16 tuổi, từ độ tôi biết cảm giác thích một người, thấy cuộc đời như một viên kẹo dâu, như một áng mây hồng rạng rỡ, chẳng hề có sự tính toán, đắn đo và tôi trân quý những điều chân thật, dễ thương, hồn nhiên xuất phát từ rung động đầu đời ấy.

Không còn được mặc áo dài trắng đi học, nhưng tháng năm sau này, thi thoảng tôi vẫn chụp những bộ ảnh ngoại cảnh áo dài và dịp tết thường may, mua một bộ xúng xính du xuân. Tôi vẫn giữ niềm yêu thích với cổ áo truyền thống nhưng đa dạng màu sắc và loại vải hơn. Đó không chỉ là cách thể hiện tình yêu với tà áo dài thiết tha, mà còn ngập đầy thương nhớ mênh mang tà áo trắng nhiệm màu đã cùng tôi đi qua những chênh vênh của cuộc đời và những dông dài dòng thời gian trôi. Cám ơn biết bao tà áo dài thanh thoát đã nhẹ nhàng êm ái đến với cuộc đời, ngọt ngào đằm thắm đi vào lòng người và khiến bất cứ ai cũng đều thấy dễ cảm, dễ yêu, dễ nao lòng trước một vẻ đẹp thùy mị của người con gái Việt, một hình ảnh đượm hồn đất nước. Để rồi hôm tình cờ, nhìn thấy những tà áo dài bay bay trên phố như áng mây vấn vít, ta bỗng chợt thấy xao động quen thương và quê hương vẫn luôn vẹn nguyên đằm sâu trong mình.

CẨM CÁT