Xích lô gắn động cơ trợ lực cho lái xe nhưng vi phạm quy định

Không đúng quy định

Trước đây, những hình ảnh xe xích lô chở khách khi đi qua các đoạn đường xấu, gồ ghề, hay phải lên các con dốc như cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân, cầu Cửa Ngăn, cầu Thượng Tứ… người lái xe “uốn éo” qua về khó nhọc, gắng sức để đạp; một số đoạn người lái xe phải nhảy xuống đất để đẩy xe lên dốc… tạo ra những hình ảnh “chạnh lòng” cho người đi đường, đặc biệt là những hành khách ngồi trên xe. Những hình ảnh nặng nhọc, vất vả của cánh tài xế xích lô đó dần được hỗ trợ bằng động cơ điện.

Sở Giao thông vận tải khẳng định, xe xích lô gắn động cơ điện là không được phép. Căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các thông tư liên quan hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa, ngày 10/1/2022, UBND tỉnh có Quyết định Số 01/2022/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại điều 4 của Quyết định có nội dung: cấm các phương tiện thay đổi hệ thống truyền lực, truyền động của xe thô sơ hai, ba bánh.

Xích lô là phương tiện đang được xếp vào danh sách loại xe thô sơ, nên gắn động cơ điện để thay đổi hệ thống truyền lực là vi phạm quy định. Nguyên tắc cơ bản, sai thì phải khắc phục, nên việc các xích lô tháo động cơ điện là điều phải thực hiện và những ngày vừa qua, nhiều lái xe đã tiến hành tháo gỡ, lắp lại bộ xích líp để đạp bằng chân như trước.

Những ngày qua, quá trình tháo gỡ động cơ điện, phía các tài xế xích lô có nhiều tâm tư, bày tỏ sự lo lắng với công việc của mình. Ông Trần Văn Huế, đội trưởng, đội xích lô tại cửa Hiển Nhơn cho hay, xích lô của ông tháo động cơ điện như thế đã 1 tuần sau đúng 5 tháng lắp đặt. Việc lắp đặt động cơ đã giải phóng sức lao động cho lái xe. Hiện, trong nghiệp đoàn đa số lái xe đã lớn tuổi, trên 50 tuổi, có nhiều người trên 60 tuổi sức khỏe đã yếu, gắn động cơ quả thật giúp cho lái xe rất nhiều. Nhưng giờ việc gắn là vi phạm nên các thành viên đang tháo, trước mắt là hai tổ cửa Ngăn và Hiển Nhơn tháo đầu tiên, sau đó là các tổ khác trong nghiệp đoàn.

Hai mặt của vấn đề

Ông Trần Văn Huế bày tỏ, hiện có khoảng 300 xe xích lô có lắp động cơ điện. Từ khi lắp động cơ điện, được trợ lực bằng động cơ, sau một ngày làm việc sức khỏe rất đảm bảo. Vì vậy, ai cũng hy vọng mở ra một tương lai mới với nghề dịch vụ xích lô. Nhiều lái xe lớn tuổi vẫn theo nghề để lo cho cuộc sống gia đình.

Ở khía cạnh thực tiễn đối tượng sử dụng dịch vụ, qua khảo sát ý kiến của một số du khách đến Huế trải nghiệm xích lô, đại đa số khách cho rằng, nếu lựa chọn hai loại xe xích lô đạp bằng sức người và bằng động cơ điện họ sẽ chọn xích lô gắn động cơ. Một du khách nói rằng, nhìn bác lái xe đã lớn tuổi, người gầy ốm thế mà cả hai vợ chồng tôi cùng ngồi lên để bác chở quả thật là rất áy náy.

Trên các diễn đàn du lịch Huế thời gian qua cũng có những ý kiến trái chiều về xích lô gắn động cơ điện. Thứ nhất là quan điểm không đồng ý với xích lô gắn động cơ vì làm mất đi nét đặc trưng riêng của xích lô, gắn động cơ chạy nhanh làm mất an toàn giao thông, an toàn cho du khách. Thứ hai là quan điểm đồng ý, bởi giúp giải phóng sức lao động, phù hợp với xu hướng áp dụng công nghệ vào phát triển mà lại không ảnh hưởng đến môi trường.

Phía đội ngũ lái xe xích lô mong muốn, cơ quan quản lý có thể đưa ra các nội quy, quy chế như thế nào đó và chế tài xử lý; hay có hướng dẫn khung thời gian hoạt động quy định, hạn chế tốc độ; cung đường hoạt động chuyển riêng… để quản lý. Lái xe xích lô sẽ chấp hành.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Đăng kiểm, Sở Giao thông vận tải nhìn nhận rằng, về lý các xích lô đang sai, nhưng về tình ai cũng thấy đạp xe xích lô vất vả, cần có giải pháp để hỗ trợ. Nhưng quả thật, hiện tỉnh vẫn chưa thể có những giải pháp nào để tháo gỡ cho các lái xe xích lô. Theo quy định, để thay đổi hệ thống truyền lực của xe phải có các hướng dẫn và thẩm định chất lượng, đảm bảo an toàn phải do cấp Trung ương thực hiện, còn cấp tỉnh không có thẩm quyền.

Ông Hồng cho rằng, thời gian qua chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến xích lô gắn động cơ điện. Nhưng cũng phải nói thêm là không ít lái xe đã lạm dụng động cơ, chạy tốc độ quá nhanh. “Chúng tôi cũng đã nhiều lần đi theo lái xe xích lô, tốc độ chạy lên đến 40km/h. Đó là tốc độ quá nhanh với xích lô và nếu chở khách không làm chủ tốc độ, di chuyển qua các đoạn đường vòng, khúc cua rất dễ xảy ra tại nạn”, ông Hồng nhấn mạnh.

Qua sự việc này, có nhiều việc cần được bàn đến. Trước hết là vì sao từ năm 2019 việc gắn động cơ điện của xích lô đã manh nha, mà khi tỷ lệ lắp quá nhiều như hiện nay mới tháo gỡ. Xét về tính thực tiễn, việc lắp đặt cũng có những yếu tố tối ưu, nên theo người viết cũng cần có những đánh giá, phân tích lại. Từ những đánh giá đó, nếu thấy phù hợp, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể tìm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG