Giao dịch viên Techcombank hướng dẫn khách hàng

Giải ngân quá chậm trước khi nới room

Ông Thân Trọng Viên, Trưởng phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ - NHNN tỉnh thông tin: Đến 31/8/2022 (sau hơn 3 tháng triển khai), mới chỉ có 3 khách hàng với tổng dư nợ chưa tới khoảng 2,2 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất (HTLS). Cụ thể, Agribank Thừa Thiên Huế có 2 khách hàng với dư nợ hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó có 1 DN và 1 hộ kinh doanh; ACB Huế có 1 DN với dư nợ gần 15 triệu đồng. Như vậy, so với quy mô gói 40.000 tỷ đồng HTLS 2%/năm trong 2 năm 2022-2023, con số giải ngân gói này quá thấp.

Trong khi theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/8/2022, có 434 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 39 DN; giải thể 80 DN, tăng 1 DN. Nói như Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - Dương Tuấn Anh: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều DN “rút khỏi cuộc chơi” đó là thiếu hụt dòng vốn, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hạn chế.

Tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn tới chính sách chậm triển khai là khó khăn trong xác định đối tượng được HTLS; từ phía khách hàng vay (nhiều hộ gia đình SXKD vay vốn tại các NHTM nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được HTLS...) và cả nguyên nhân từ phía các NHTM.

Một số DN khi trao đổi với chúng tôi (họ đều đề nghị không nêu tên cụ thể). Ví như giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực thủy sản cho rằng: Thời gian qua, khi các ngân hàng cạn room tín dụng, DN đã rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, rất nhiều DN phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là phá sản. Thời điểm cuối năm, để đạt được các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, DN càng cần nhiều vốn hơn, trong đó một phần lớn là vay từ ngân hàng.

“Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu vốn của DN đang tăng lên rất cao, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ như chúng tôi. Ấy thế mà khi đặt vấn đề vay vốn, ngân hàng trả lời phải chờ do đã sử dụng hết hạn mức được NHNN giao. Vì thiếu vốn nên chúng tôi buộc phải vay các tổ chức tín dụng bên ngoài theo kiểu “giật gấu vá vai” với lãi suất cao để SXKD. Điều này đã khiến cho DN gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối chi phí để duy trì hoạt động, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giảm lợi nhuận” - vị giám đốc này nói.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, các gói cho vay HTLS từ trước đến nay có quy mô lớn, song tỷ lệ giải ngân thấp là do các nhà băng không mặn mà với những gói cho vay này, mà thường ưu tiên cho vay thương mại. Với gói HTLS 2% hiện nay, dư nợ và lãi suất được hỗ trợ sau hơn 3 tháng triển khai ở mức rất thấp. Đặc biệt, nếu ngân hàng không chặt chẽ trong khâu lựa chọn đối tượng khách hàng thì sẽ để lại hệ quả xấu và khó có thể nhận lại được số tiền hỗ trợ từ ngân sách. Rút kinh nghiệm từ lần triển khai năm 2009, gói hỗ trợ lần này được các ngân hàng triển khai trên nền tảng kiểm soát chặt chẽ các điều kiện cho vay và không tạo ra một khoảng chênh lệch lớn giữa lãi suất chính thức với lãi suất được hỗ trợ trực tiếp.

Khách hàng giao dịch tại ABBank Huế

Đốc thúc triển khai chương trình HTLS

Vừa công bố nới room tín dụng cho khoảng 15 NHTM, NHNN đã ban hành ngay văn bản số 6221/NHNN-TD về đẩy mạnh triển khai chương trình HTLS 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Chỉ trong vòng 1 tháng, NHNN đã phải ban hành 2 văn bản đốc thúc các NHTM đẩy mạnh giải ngân chương trình này. Điều này cho thấy, việc giải ngân đến thời điểm này vẫn còn đang rất chậm, tương đương với việc có rất ít đối tượng khách hàng được tiếp cận gói HTLS này.

Theo đó, NHNN yêu cầu các NHTM rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được HTLS, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được HTLS theo quy định. Các NHTM phải rà soát lại các quy định, hướng dẫn nội bộ để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 31 và Thông tư 03; không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được HTLS; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được HTLS.

NHNN, NHTM cũng phải thành lập đường dây nóng (số điện thoại, email) tại hội sở chính để chủ động giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền tại địa bàn và kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh, NHNN các vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành, hiệp hội DN tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - DN về chính sách HTLS, đối thoại trực tiếp giữa NHTM và khách hàng trên địa bàn, đặc biệt là các khách hàng thuộc đối tượng HTLS; nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của DN, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách.

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Hồng Minh - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) lạc quan: Thị trường vừa trải qua gần nửa năm bị ngân hàng "siết tín dụng". Với DN, đây là thông tin tiêu cực nhưng ngược lại với thị trường, đây lại là thông tin tích cực. Người ta thường nói "lửa thử vàng" - câu nói này đúng trong thực tế nêu trên. Bởi khi bị siết tín dụng sẽ lộ rõ những DN yếu - khỏe, có tiềm lực hay không tiềm lực. Ví dụ, ở lĩnh vực bất động sản, sau một thời gian không thể cầm cự, những DN yếu kém, không có tiềm lực, sống dựa hoàn toàn vào đòn bẩy tài chính… chắc chắn bị thanh lọc. Hay những dự án có vấn đề cũng không thể triển khai vì không được ngân hàng rót vốn.

Trước thông tin ngân hàng được nới room tín dụng, có ý kiến e ngại dễ phát sinh những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo vị này, thị trường đang rất sáng sủa nên đây là thời điểm hợp lý để ngân hàng giải ngân vốn. Chính vì bối cảnh lạc quan này nên ngân hàng không cần quá lo lắng khi giải ngân vốn cho DN.

"Ngân hàng có cả một hệ thống quản lý, sổ tay tín dụng với các quy định, quy trình thẩm định vô cùng chặt chẽ. Chỉ cần đúng quy trình thì sẽ cho vay không thể nào “trượt” được nên nguy cơ nợ xấu là không cao. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của DN là rất lớn và quan trọng là nhu cầu thật, họ chỉ mong ngân hàng được nới room để được giải ngân vốn cho vay. Đa số vốn vay này đều đi vào SXKD, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, xã hội chứ không phải vay để đầu cơ, vì chủ yếu hiện không còn những DN đầu cơ, sử dụng đòn bẩy tài chính…”, ông Minh phân tích.

Bài, ảnh: Bạch Quang