Sinh viên Trường đại học Nông Lâm lên đường đi thực tập tại Nhật Bản. Ảnh: ĐHNL

Tốt, nhưng số lượng còn “khiêm tốn”

Mới đây, hơn 45 SV Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế vừa xuất cảnh đi Nhật Bản, Israel để thực tập trong vòng 1 năm. Tại Trường ĐH Khoa học, cũng có 5 SV Khoa Điện, Điện tử và Công nghệ vật liệu được đưa đi Nhật Bản thực tập. Đây là lần đầu tiên SV của Trường ĐH Khoa học được đi thực tập nước ngoài theo diện dài hạn.

SV đi thực tập ở nước ngoài không còn mới lạ, mà được triển khai ở nhiều trường ĐH trong nước. Ngay tại Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế, hiệu quả cũng từng được kiểm chứng. Còn nhớ năm 2017, khi tôi tìm hiểu tính khả thi trong năm đầu tiên Trường ĐH Nông Lâm triển khai chương trình SV đi thực tập ở nước ngoài, Đoàn Kim Hường, SV ngành công nghệ thực phẩm lúc ấy từ Nhật Bản đã chia sẻ rằng: “Cơ sở thiết bị công nghệ ở đây hiện đại. Nhà máy có phòng nghỉ, máy massage cho nhân viên. Tụi em được trải nghiệm tất cả công đoạn làm bánh kẹo ở nhà máy và được trả lương. Họ cấp cho tụi em bảo hiểm y tế, khám sức khỏe theo chế độ; bố trí chỗ ở tiện nghi và phương tiện đi lại. Ở đây, rất tốt để học hỏi môi trường công việc hiện đại”.

Không thể phủ nhận hiệu quả, thậm chí theo TS. Lê Nam Hải, Phó Trưởng ban Đào tạo và Công tác SV ĐH Huế, rất nhiều giá trị cộng thêm khi SV được đi thực tập nước ngoài, trong đó có trải nghiệm về kỹ năng, ngôn ngữ, cơ hội nghề nghiệp, tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiện đại. Dù đi thực tập, nhưng SV nhận được một khoản lương khá tốt. Tuy nhiên, trái với hiệu quả, quy mô và số lượng SV được đi thực tập nước ngoài còn ít. Ngoài Trường ĐH Nông Lâm có số lượng SV đi thực tập ở Nhật Bản, Israel… ở mức tương đối và mới đây có thêm Trường ĐH Khoa học thì đa phần các đơn vị khác chưa có các chương trình thực tập nước ngoài mang tính dài hạn như trên, chỉ có các chương trình trao đổi SV ngắn hạn. Xét với quy mô hơn 40.000 SV của ĐH Huế, con số SV được đi thực tập nước ngoài còn quá ít.

ThS. Thái Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH và Công tác SV, Trường ĐH Khoa học chia sẻ, thực tế, sau quá trình phỏng vấn, các đối tác miễn phí khi đưa SV đi thực tập tại Nhật Bản. Nhu cầu lớn, nhưng số lượng vẫn còn trăn trở. Có nhiều lý do, trong đó có một bộ phận SV không muốn xuất ngoại. Khó khăn lớn hơn liên quan đến ngoại ngữ. Nhiều SV vốn đã yếu tiếng Anh (dù đây là ngoại ngữ được đào tạo trong thời gian học), nhưng để tham gia các chương trình thực tập tại Nhật Bản, SV phải mất thêm 1 năm học tiếng Nhật. Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác SV Trường ĐH Nông Lâm cho rằng, nhu cầu từ các đối tác về SV khối ngành nông nghiệp đi thực tập nước ngoài lớn, nhưng vì hai lý do trên, số lượng SV xuất cảnh đi thực tập chiếm tỷ lệ còn thấp.

Theo ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, các ngành liên quan đến ngoại ngữ muốn thực hành về ngoại ngữ cũng có những điểm khó hơn. Điều này buộc nhà trường muốn triển khai phải rút ngắn thời gian đào tạo tại trường còn 3,5 năm mới có thể thực hiện.

Trong khi đó, TS. Lê Nam Hải cho rằng, ngoài các nhóm ngành về sư phạm, y dược, nghệ thuật có đặc thù riêng thì những ngành khác nếu có thể triển khai đưa SV đi thực tập nước ngoài đều rất tốt. Đáng trăn trở là, khâu kết nối giữa các trường với các đối tác trong quan hệ quốc tế đâu đó còn chưa tốt, nên chưa thể triển khai rộng rãi việc đưa SV đi thực tập nước ngoài.

Tìm giải pháp phù hợp

Chuyện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế và SV ra trường thích ứng khi tham gia thị trường lao động quốc tế là xu hướng. Song, để không bị xem là hô hào khẩu hiệu, rõ ràng việc nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra phải được đặt lên hàng đầu. Bài toán ấy cần được thể hiện rõ xuyên suốt quá trình đào tạo, thực hành, thực tập.

Nhiều câu hỏi về chất lượng nhân lực từ các đơn vị đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ. Phải chăng đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp trong nước với yêu cầu công việc cao lại “chuộng” tuyển lao động nước ngoài trong một số vị trí thay vì sử dụng nhân lực trong nước. Nhiều người cũng đặt nghi vấn: Do SV trong nước chưa tiếp cận được môi trường thực tập, làm việc hiện đại theo chuẩn của nước ngoài.

Giải quyết bài toán trên không nên chậm trễ. ĐH Huế và các trường đang nỗ lực kết nối, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp cũng cần quan tâm, đẩy mạnh hoạt động này đưa SV thực tập nước ngoài. Về mặt lâu dài, cần chuẩn bị tốt nền tảng ngoại ngữ, kỹ năng, tâm thế cho SV để tiếp cận môi trường học tập, thực hành của các nước tiên tiến. Cả nhà trường và SV chủ động thì mới mở rộng cơ hội SV ra nước ngoài thực tập.

Hữu Phúc