Các công nhân di dời ngôi chánh điện cũ của Quốc tự Diệu Đế
Người đảm nhận việc dịch chuyển chánh điện này là “thần đèn” Nguyễn Văn Cư – Giám đốc Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) cùng cộng sự với sự hỗ trợ của các phương tiện, máy móc chuyên dụng hiện đại.
Để chuẩn bị dịch chuyển ngôi chánh điện này phải trải qua rất nhiều công đoạn. Riêng hạng mục kéo chánh điện thực hiện những ngày gần đây. Đến thời điểm này, chánh điện đã kéo lui được 4m so với vị trí ban đầu.
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư cho biết, ngôi chánh điện sẽ được dịch chuyển lui 18m so với vị trí ban đầu. Tất cả đang được thực hiện một cách đúng kỹ thuật, đảm bảo quá trình đó không xảy ra hư hại, ảnh hưởng đến kết cấu chánh điện với bề ngang 25m, chiều sâu 14m.
Theo ông Cư, quá trình khảo sát có rất nhiều phương án được đưa ra, bằng mọi giá phải giữ được nguyên trạng chánh điện cũng như các bệ thờ bên trong. Phương án cuối cùng là đào sâu xuống phần móng và cho đổ hệ đà bằng bê tông, kết nối với sắt thép để tạo nên kiên cố. “Quá trình này được thực hiện từng đoạn khoảng 1-1,2m. Tổng hệ đà được đổ lên đến 180m, trong hơn 2 tháng liên tục”, ông Cư nói.
Khối lượng ngôi chánh điện theo ông Cư lên tới 1.000 tấn. Sau quá trình đổ đà ở bên dưới móng, các công nhân cho hệ thống máy móc nâng lên rồi đưa hệ thống ván gỗ và con lăn vào trước khi dùng ben chịu lực để kéo. “Mỗi lần kéo được 0,9 – 1m. Mỗi ngày kéo được khoảng 4m. Nếu thuận lợi trong 5 ngày sẽ hoàn tất việc dịch chuyển”, ông Cư nói thêm và cho biết theo yêu cầu nhà chùa sau khi kéo về vị trí mới sẽ dùng ben thủy lực đến kích cao lên 15cm.
Đại diện chùa Diệu Đế cho hay, việc dịch chuyển ngôi chánh điện cũ nhằm bảo vệ lại bức bích họa “Long vân khế hội” cũng như những giá trị lịch sử của chùa. Sau khi dịch chuyển đến vị trị mới sẽ cho trùng tu lại ngôi chánh điện cũ này theo khả năng nhà chùa để làm Tổ đường và một phần cho không gian sinh hoạt.
Ngôi chánh điện cũ của Quốc tự Diệu Đế nổi tiếng với bức tranh “Long vân khế hội” (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) được vẽ ngay trần điện. Bức tranh có chiều dài hơn 10m, rộng gần 11m. Bức tranh vẽ 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần điện và 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn theo một điển tích xưa của nhà Phật. Tương truyền bức tranh được nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh thể hiện vào năm 1953. Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, hiện chưa có tài liệu nào khẳng định điều này.
Việc dịch chuyển chánh điện cũ được tiến hành sau khi nhà chùa cơ bản hoàn tất xây mới ngôi chánh điện ở phía trước.
Những hình ảnh được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:
Ngôi chánh điện cũ của Quốc tự Diệu Đế nổi tiếng với bức bích “Long vân khế hội” (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) họa trên trần
Có thể thấy rõ khoảng cách sau khi dịch chuyển giữa ngôi chánh điện mới và ngôi chánh điện cũ
Phương án dịch chuyển đưa ra sau cùng và được áp dụng đó là đào sâu xuống phần móng và cho đổ hệ đà bằng bê tông
Hệ thống ván gỗ và con lăn được đưa vào bên dưới hệ đà để di chuyển toàn bộ ngôi chánh điện cũ
Bệ thờ bên trong ngôi chánh điện cũ của Quốc tự Diệu Đế vẫn còn nguyên vẹn trong quá trình dịch chuyển
Đến thời điểm này đã kéo được 4m, quá trình kéo ngôi chánh điện cũ lùi sau 18m sẽ mất khoảng 5 ngày
Kết cấu chánh điện với bề ngang 25m, chiều sâu 14m, nặng tới 1.000 tấn
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư (trái) chia sẻ về quá trình dịch chuyển Quốc tự Diệu Đế ngay tại công trình
Trong quá trình dịch chuyển, nhiều trụ sắt được đưa vào để chống đỡ các công trình bên trong chánh điện
Clip ngôi chánh điện cũ của Quốc tự Diệu Đế - nơi có bức bích họa "Long vân khế hội"
NHẬT MINH (thực hiện)