Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp nhận Búa Chủ tịch ASEAN 2022. Ảnh minh họa: AKP/Báo Quân đội Nhân dân
Nhân dịp này, Khmer Times đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Viện Chiến lược KSI khu vực châu Á – Thái Bình Dương có trụ sở tại Malaysia Tan Sri Michael Yeoh về tìm hiểu về ý kiến và quan điểm của ông đối với Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2022.
Khmer Times: Theo ông, Campuchia đã có các hành động quản lý và xử lý như thế nào với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2022, trước những khó khăn mà cả khu vực và thế giới đang phải đối mặt?
Chủ tịch Tan Sri Michael Yeoh: Tôi cho rằng Campuchia đang làm rất tốt cương vị Chủ tịch ASEAN 2022. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã triển khai những kế hoạch và sáng kiến có lợi cho tổ chức khu vực. Đơn cử, Thỏa thuận Xanh mới là một khái niệm thú vị và cũng là một sáng kiến hữu ích cho ASEAN. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức khác như xung đột Nga – Ukraine và vấn đề ở Myanmar vẫn đang đặt ra nhiều thách thức cho khối khu vực.
Khmer Times: Những vấn đề Campuchia phải đối mặt với tư cách là Chủ tịch hiện nay có khác gì so với 2 lần cầm quyền trước hay không? Nếu có, Campuchia đã giải quyết tình huống như thế nào và ở những khía cạnh nào?
Chủ tịch Tan Sri Michael Yeoh: Tôi cho rằng lần đảm nhận chức vụ chủ tịch này, Campuchia đã có một chương trình nghị sự rõ ràng hơn cho ASEAN. Điều này sẽ dẫn đến những kết quả thật sự của Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra vào tháng 11. Chúng tôi rất mong đợi vào những gì sẽ diễn ra tại kỳ Hội nghị thượng đỉnh và tầm ảnh hưởng của hội nghị đối với tình hình khu vực và thế giới hiện nay.
Khmer Times: Cuộc họp sắp tới của lãnh đạo các nước ASEAN dự kiến diễn ra vào tháng 11. Liệu đây có phải là một thời điểm quan trọng với ASEAN và Campuchia, nhất là trong bối cảnh hỗn loạn toàn cầu, cộng thêm khó khăn kinh tế, thiếu lương thực, lạm phát gia tăng, cũng như bất ổn chính trị trên toàn cầu còn nhiều căng thẳng?
Chủ tịch Tan Sri Michael Yeoh: Tôi cho rằng ASEAN nên tăng cường hợp tác, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế để tập trung vào việc thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Hơn nữa, các nước cần phải thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực khác. Các quốc gia thành viên cần cùng nhau thúc đẩy an ninh, chẳng hạn như an ninh lương thực và an ninh nhà ở. Tôi tin rằng ASEAN sẽ được hưởng lợi từ Thỏa thuận Xanh do Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề xuất, nhằm mục tiêu hướng đến một ASEAN xanh hơn, nhiều cơ hội kinh tế mới hơn.
Khmer Times: Xin ông cho chúng tôi biết về cái nhìn sâu sắc về sự hình thành của Câu lạc bộ Kinh tế ASEAN; điều gì đã dẫn đến quyết định thành lập câu lạc bộ, những thành viên sáng lập là ai, làm thế nào để trở thành thành viên và tiêu chí là gì?
Chủ tịch Tan Sri Michael Yeoh: Tất cả 10 nước thành viên ASEAN đều là thành viên của Câu lạc bộ Kinh tế. Chúng tôi có 5 đồng chủ tịch đến từ Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Brunei. Timor Leste đang trong quá trình gia nhập ASEAN và khi tư cách thành viên của họ được phê duyệt, chúng tôi rất vui mừng chào đón đất nước này đến với câu lạc bộ.
Khmer Times: Mục tiêu của câu lạc bộ là gì?
Chủ tịch Tan Sri Michael Yeoh: Những gì chúng tôi đang nỗ lực triển khai là nghiên cứu và đánh giá độc lập về những thách thức và cơ hội kinh tế của ASEAN, để từ đó, chúng tôi có thể đóng góp ý kiến cho Chủ tịch và các nhà lãnh đạo ASEAN. Chúng tôi biết rằng hiện đang có rất nhiều tổ chức và nhóm tư vấn khác. Song Câu lạc bộ Kinh tế là tổ chức duy nhất ở ASEAN quy tụ đại diện từ các cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn để đóng góp cho sự phát triển toàn diện của khối khu vực ASEAN.
Khmer Times: Năm tới, Campuchia sẽ chuyển giao chức vụ Chủ tịch ASEAN cho Indonesia. Kỳ vong của ông đối với Indonesia trong giai đoạn hiện nay là gì?
Chủ tịch Tan Sri Michael Yeoh: Indonesia sẽ là một chủ tịch tốt khác cho ASEAN, bởi nước này có nhiều kinh nghiệm và cũng là quốc gia lớn nhất trong ASEAN. Indonesia sẽ đóng một vai trò quan trọng để đưa ASEAN lên một tầm cao mới. Tôi thật sự mong đợi Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Khmer Times)