Khu vực nguy cơ sạt lở sông Tả Trạch, ảnh hưởng đời sống người dân Nam Đông
Cứ đến mùa mưa lũ hàng năm, câu chuyện nguy cơ sạt trượt núi, sạt lở bờ sông của người dân Thượng Nhật (Nam Đông) lại được nhắc đến. Theo UBND xã Thượng Nhật, trong 2 năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của mưa bão và quá trình điều tiết nước của Thủy điện Thượng Nhật (Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam), làm sạt lở nhiều vị trí ở bờ sông, gây ảnh hưởng đến đời sống và đất sản xuất của người dân ở thôn Lập.
Ông Hồ Văn Đang (thôn Lập, xã Thượng Nhật) cho biết, cứ mưa lớn, thủy điện điều tiết nước người dân lại lo sợ, dù bà con đã sống ở đây hơn 40 năm trước khi thủy điện hình thành và đi vào hoạt động. Có năm thủy điện xả nước làm ghe thuyền, gia súc gia cầm, mồ mả của người dân bị cuốn trôi. Qua các kỳ tiếp xúc cử tri, bà con đều phản ánh. Vừa qua, nghe có đoàn khảo sát xây dựng DA TĐC, người dân rất phấn khởi, mong ước DA được triển khai, người dân được di dời, TĐC để ổn định cuộc sống lâu dài.
Toàn thôn Lập có 86 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, đã định cư nhiều năm ở khu vực này. Trong những năm gần đây xuất hiện một số vị trí sạt trượt trên triền đồi, bờ sông khiến người dân lo lắng. Chính quyền địa phương kiến nghị cấp trên sớm bố trí nguồn vốn xây dựng kè chống sạt lở dọc sông Tả Trạch với chiều dài khoảng 8km và bố trí đất quy hoạch khu TĐC mới khu vực thôn Lập với khoảng 75 hộ, tiến hành di dời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa, bão.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trên địa bàn huyện Nam Đông có khoảng 10 vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Để đầu tư các DA di dân TĐC cần nguồn kinh phí lớn, vượt ngoài khả năng tài chính của địa phương. Do vậy trước mắt, nhằm đảm bảo an toàn UBND huyện Nam Đông chỉ đạo thực hiện bố trí tiêu vè, rào chắn, biển báo tại các đoạn bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi đi qua khu vực này; đồng thời có kế hoạch di dời, sơ tán các hộ dân sinh sống ở ven sông, ven suối trong khu vực sạt lở nguy hiểm khi có mưa bão đến.
Tương tự, khu vực dân cư thôn thôn Bình An 2 (Lộc Bình, Phú Lộc); thôn Ar Bả (Quảng Nhâm, A Lưới), đều nằm trong địa hình có nguy cơ sạt lở cần có phương án TĐC khẩn cấp. Trong đó, thôn Ar Bả nằm trong vùng lòng chảo bao quanh bởi đồi núi, hàng năm đến mùa mưa bão hiện tượng sạt lở núi thường xảy ra và thường xuyên ngập lụt gây hư hỏng nhà cửa, ruộng vườn của người dân. Theo chính quyền địa phương, khu vực này cần di dời 88 hộ với 360 nhân khẩu đến nơi TĐC an toàn.
Cuối năm 2021, UBND tỉnh đã báo cáo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đề xuất 2 DA di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Theo đó, đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư DA di dân khẩn cấp tại thôn Bình An 2 (Lộc Bình, Phú Lộc) và thôn Lập, Tà Rình, A Tin (Thượng Nhật, Nam Đông) với 123 hộ dân có tổng mức đầu tư gần 52,5 tỷ đồng. DA sẽ thực hiện các hạng mục chính như san mặt bằng nền, xây dựng lắp đặt hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt, đường vào điểm TĐC, đường nội bộ và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di chuyển.
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, tháng 10/2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 4230/QĐ-BNN-KH về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý DA Đầu tư và Xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư và tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT tiến hành giai đoạn lập DA để triển khai trong thời gian đến.
Trong văn bản gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai, UBND tỉnh cam kết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khác khi triển khai thực hiện DA ngoài nguồn vốn đầu tư công (đầu tư kết cấu hạ tầng) để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi. Sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện công tác hỗ trợ di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới; tổ chức tập huấn cho người dân TĐC về sản xuất, chăn nuôi bằng nguồn kinh phí của tỉnh giao các sở ngành thực hiện và đưa chương trình xây dựng nông thôn mới vào để triển khai thực hiện trên địa bàn các xã nhằm hỗ trợ người dân các chính sách về sản xuất nông nghiệp.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có lượng mưa nhiều nhất ở nước ta. Lượng mưa trung bình hàng năm trong toàn tỉnh đều trên 2.700mm, có nơi trên 4.000mm. Do vậy, để ứng phó lũ quét và trượt lở đất, ngoài tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn, xây tường chắn, hồ chứa kiểm soát lũ… cần lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số nơi dân cư và các hoạt động kinh tế tập trung; quy hoạch, điều chỉnh khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét, trượt lở đất và tăng độ che phủ mặt đệm bằng cách trồng rừng.
Bài, ảnh: Hà Nguyên