Du khách nước ngoài mua sắm tại chợ Đông Ba. Ảnh: MC
Thay áo mới
Khác với không gian nhếch nhác, hàng hóa trưng bày tràn ra các lối đi nội bộ và thực trạng nói thách, hét giá xuất hiện khắp nơi trong khuôn viên chợ như 2, 3 năm trước, giờ đây đến chợ Đông Ba, người dân và du khách cảm nhận sự thân thiện, mến khách với những lời mời chào nhã nhặn, cách cư xử văn minh. Để có được những hình ảnh đó là sự nỗ lực của Ban Quản lý (BQL), sự chung sức chung lòng của bà con tiểu thương và đặc biệt là sự quan tâm, đầu tư kinh phí để nâng cấp, chỉnh trang của tỉnh, TP. Huế cùng công tác xã hội hóa của bà con tiểu thương.
Là ngôi chợ truyền thống có lượng lưu thông hàng hóa lớn từ các thương nhân và người dân trong và ngoài tỉnh, trải qua 123 năm xây dựng và phát triển, chợ Đông Ba hiện có kiến trúc ba lầu vuông vức với hơn 2.700 lô hàng và hơn 1.800 hộ kinh doanh được phân bổ tại 6 khu vực. Trong đó, có khoảng 60 ngành hàng từ các mặt hàng cao cấp đến bình dân được buôn bán kinh doanh tại đây, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tiểu thương chợ Đông Ba mặc áo dài đến chợ vào ngày thứ 7 hàng tuần
Theo bà Lê Đắc Nguyên Phượng, ngành hàng bạc, “Chỉ trong 1 năm mà chợ Đông Ba đã thay đổi rất nhiều thứ, từ hạ tầng, cách bố trí hàng hóa, thái độ ứng xử với khách… và hơn cả là sự phấn khởi, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh mua bán của chị em tiểu thương. Có được thành quả này phải kể đến sự điều hành, quản lý khoa học, thấu tình đạt lý của tập thể CBCNV và lãnh đạo BQL. Chợ đẹp, ứng xử văn minh nên khách du lịch đến nhiều hơn, chị em đắt khách hơn nên ai nấy đều vui mừng, từ đó chung tay thực hiện các hoạt động văn hóa do BQL kêu gọi như mặc áo dài vào ngày thứ 7 hàng tuần, tham gia Ngày Chủ nhật xanh, các hoạt động thiện nguyện…
Đến chợ trong sáng thứ 7, những sắc màu rực rỡ rộn ràng bên các gian hàng nón lá, lưu niệm, đặc sản, áo quần… Từng đoàn khách không chỉ đến mua sắm, mà còn dừng chân thưởng thức và trải nghiệm bên trong “thiên đường” ẩm thực với các món bún bò, cơm hến, bánh bèo - nậm - lọc, chè… mang hương vị đặc trưng của vùng đất Cố đô.
“Chợ Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ. Ở đó, không chỉ hội tụ đầy đủ nông - đặc sản của nhiều vùng miền trong cả nước, hàng lưu niệm, thủy hải sản tươi sống… mà còn được hiểu thêm về những con người vùng đất Cố đô. Nét đẹp truyền thống của người phụ nữ xứ Huế được biểu hiện qua cách giao tiếp, phong cách ăn mặc của chị em tiểu thương”, chị Ngọc Dung, du khách đến từ TP. Hồ Chí minh chia sẻ.
Tiếp tục nâng cấp
Trải qua hàng chục năm không nâng cấp, sửa chữa, chợ Đông Ba xuống cấp trầm trọng, cơ sở hạ tầng các khu nhà hư hỏng lớn. Nhiều lô hàng bị thấm dột phải căng bạt, treo tấm lót để che tạm; hệ thống dây điện chằng chịt gây mất an toàn và mỹ quan…
Từ đầu năm 2022 đến nay, TP. Huế ưu tiên nguồn lực cùng với công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ bản của bà con tiểu thương, BQL chợ đã đầu tư gần 10 tỷ đồng triển khai các hạng mục nâng cấp, chỉnh trang một số công trình. Từ đó, khu vực mặt tiền chợ được cải tạo; khu vực lầu chuông được nâng cấp; các lô hàng sắp xếp lại theo từng ngành hàng, khu vực riêng đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác cháy nổ. Hạ tầng đồng bộ, bà con tiểu thương phấn khởi nên các vấn nạn nói thách, hét giá cũng giảm đáng kể; thay vào đó là thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, vệ sinh an toàn thực phẩm nên thu hút ngày càng nhiều người dân, du khách đến chợ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song cho rằng, với sự nỗ lực của BQL trong việc chỉnh trang, nâng cấp và chấn chỉnh lại các hoạt động kinh doanh mua bán của bà con, giờ đây câu truyền miệng “Đến chợ Đông Ba chia 3 mà trả” đã không còn nữa, du khách và người dân đến chợ “không còn lo về giá”, “chưa vào chợ Đông Ba xem như chưa đến Huế”. Đó cũng là minh chứng cho sự thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách làm, hướng đến sự chuyên nghiệp trong phương thức giao tiếp, mua bán tại chợ Đông Ba mà tiểu thương là người đóng vai trò quyết định. Cùng với việc thực hiện nghiêm chính sách về giá, diện mạo của chợ Đông Ba ngày càng khang trang, sạch sẽ; các ngành hàng được sắp xếp, chỉnh trang ngăn nắp, gọn gang hướng đến ngôi chợ văn minh thuơng mại.
Tiểu thương là hạt nhân của chợ
Với quan điểm tiểu thương là chủ, là hạt nhân của chợ nên hơn ai hết, bản thân tiểu thương phải thay đổi thì chợ mới phát triển, thu hút khách, từ đó bà con mới “mua may bán đắt” nên BQL đã triển khai nhiều giải pháp để làm thay đổi nhận thức của bà con, tiến tới xây dựng hình ảnh chợ Đông Ba "văn minh, thân thiện".
Trưởng BQL chợ Đông Ba, bà Hoàng Thị Như Thanh cho rằng, để thay đổi nhận thức cũng như cách ứng xử của bà con tiểu thương, trước hết CBCNV - LĐ BQL phải thay đổi. Thay vì quát nạt, xô đẩy hàng hóa khi bà con lấn chiếm lối đi, giờ đây các nhân viên trật tự “xắn tay áo” phụ với bà con thu dọn, trả lại lối đi cho khách. Trước đây chợ rất bẩn, để chợ sạch nhân viên vệ sinh phải làm việc nhiều hơn, đến chợ sớm và ra về muộn hơn; từ đó cách cư xử giữa tiểu thương với nhân viên BQL cũng thay đổi, nhã nhặn, thấu hiểu và sẻ chia, cùng nhau tạo nên ngôi nhà chung để làm hài lòng khách.
Theo bà Thanh, với định hướng xây dựng chợ văn minh, thân thiện trên nền tảng kết hợp công nghệ hiện đại để bán hàng, BQL xây dựng chợ với mục tiêu “3 không 2 có”, đó là không chèo kéo, không nói thách, không mì xưa và có chất lượng, có uy tín. Để tạo điều kiện cho bà con kinh doanh mua bán, BQL đang kết nối với Sở Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến chợ; áp dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ bà con kinh doanh, bán hàng qua mạng, đồng thời tổ chức các tour tham quan chợ dành cho học sinh để giới thiệu nét văn hoá đặc trưng và quảng bá hình ảnh chợ Đông Ba - ngôi chợ đặc trưng của Huế.
Bài, ảnh: Thanh Hương