Đất ruộng ở Thủy Thanh bị bồi lấp từ các trận lũ, chưa được cải tạo triệt để gây khó khăn cho sản xuất

Dù đã bước qua mấy vụ sản xuất lúa, hơn 10ha đất ruộng nằm ven hói Thống Nhất (Thủy Thanh, Hương Thủy) vẫn không thể cải tạo triệt để được do vướng các thủ tục pháp lý, bãi đổ thải… dẫn đến diện tích ruộng ở khu vực này xuất hiện tình trạng “bậc thang” với năng suất lúa thấp, thủy lợi không thể đưa nước vào đồng ruộng.

Khu vực hói Thống Nhất thuộc hạ nguồn sông Như Ý, cứ mỗi mùa mưa lũ, lượng phù sa chảy tràn qua hói bồi lấp đồng ruộng từ 15-40cm, có nơi cao lên đến 50cm, dẫn đến nền đất cao hơn hệ thống thủy lợi không vào nước được cho đồng ruộng; do được bồi cao nên vào vụ lúa, chuột bọ tập trung phá hoại nhiều dẫn đến năng suất lúa thấp.

Ông Nguyễn Mong, xã viên HTXNN Vân Thê (Thủy Thanh, Hương Thủy) cho biết, hàng năm cứ sau mùa lũ, bắt đầu vụ đông xuân rồi kế đến hè thu, nhu cầu cải tạo đất ruộng của bà con rất lớn và bức thiết bởi mùa vụ cận kề. Đất được cải tạo sẽ dễ canh tác hơn, ít tốn phân, công chăm sóc hơn và cho năng suất lúa cao. Tuy nhiên, tính bình quân chi phí cải tạo 1ha gần 50 triệu đồng.

Những hộ dân có nhu cầu cải tạo đất thường gửi đơn cho Ban Quản trị HTXNN Vân Thê và UBND xã Thủy Thanh về nguyện vọng muốn cải tạo đất ruộng phục vụ sản xuất, bởi việc cải tạo đất phải thực hiện theo quy trình nhưng  thường rất khó khăn, phải chờ các ban, ngành cấp trên dẫn đến sợ trễ mùa vụ. Khi có nhu cầu, bà con thường chủ động làm trước và chỉ hạ thấp rồi tập kết đất lại một nơi chứ không vận chuyển đi đâu được.

“Gia đình tôi có 6 sào ruộng thì có 3 sào bị bồi lấp nặng, canh tác khó khăn. Đến nay diện tích đất cải tạo được cũng chỉ dồn ứ lại chứ không thể vận chuyển ra khỏi ruộng, trong khi đó, nhiều nơi có nhu cầu lấy đất bề mặt để cải tạo vườn tạp, trồng hoa lại phải đi mua”, ông Mong nói.

Tại một số địa phương ở Phú An, Phú Mỹ (Phú Vang), Quảng Phước, Quảng Thành (Quảng Điền) cũng gặp khó khăn trong công tác cải tạo đất ruộng phục vụ sản xuất sau mỗi mùa mưa lũ, dẫn đến nhiều diện tích có nguy cơ bỏ hoang, năng suất canh trồng thấp do hệ thống thủy lợi không thể tưới tiêu.

Liên quan đến việc cải tạo hạ thấp đất ruộng ở xã Thủy Thanh, trước đó UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

Ông Văn Mạnh Linh, Giám đốc HTXNN Vân Thê cho biết, để phục vụ sản xuất, HTX đã lập phương án giải phóng lớp đất bị bồi lấp để cải tạo ruộng với mục đích sử dụng đất bồi lấp để cải tạo vườn tạp ở địa phương và cung cấp nguồn đất thịt trồng hoa chậu cho các hộ dân gửi UBND thị xã Hương Thủy phê duyệt phương án.

Trước kiến nghị của địa phương, Sở TN&MT cùng Sở NN&PNT đã có buổi làm việc với UBND xã Thủy Thanh, HTXNN Vân Thê về việc xin chấp thuận phương án cải tạo và giải phóng mặt bằng ruộng lúa bị bồi lấp của HTX. Qua rà soát, số diện tích đất bồi lấp là đất trồng lúa do các hộ dân được giao đất theo Nghị định số 64 ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Lớp đất bị bồi lấp do ảnh hưởng của mưa lũ có thành phần cơ giới thịt nhẹ - cát pha nên rất khó khăn cho việc trồng lúa, nhất là khâu tưới tiêu nên HTX và địa phương đề xuất lấy đất bị bồi lấp này để cải tạo vườn và cung cấp cho các hộ trồng hoa là phù hợp.

Để có cơ sở cho HTXNN Vân Thê giải phóng lớp đất bồi lấp này, các đơn vị thống nhất đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý theo hướng giao UBND xã Thủy Thanh phối hợp với HTXNN Vân Thê xây dựng cụ thể phương án bóc tách, cải tạo lớp đất bồi lấp, phần đất dư ra sau khi cải tạo cho phép bán đấu giá theo đúng quy định. Phương án bóc tách sau khi cải tạo trình UBND thị xã Hương Thủy phê duyệt trước khi thực hiện. Các đơn vị còn hướng dẫn HTXNN Vân Thê phương án cải tạo đất bồi lấp cần phải san ủi về cuối ruộng và xử lý vôi để cho đất hoai mục sau thời gian 3 tháng khi đó mới sử dụng được để tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ gây hại cho cây trồng.

Trên cơ sở đề xuất thống nhất phương án cải tạo đất của Sở TN&MT yêu cầu UBND thị xã Hương Thủy căn cứ nội dung đề xuất này chỉ đạo UBND xã Thủy Thanh nghiên cứu phương án sử dụng tầng đất bị bồi lấp theo đúng quy định và lấy ý kiến của Sở TN&MT, Sở NN&PTNT trước khi tổ chức triển khai thực hiện.

Theo ông Văn Mạnh Linh, Giám đốc HTXNN Vân Thê, dù các ngành chức năng đã có hướng dẫn cụ thể về phương án cải tạo đất ruộng. Tuy nhiên, yêu cầu phần đất dư ra sau khi cải tạo cho phép bán đấu giá sẽ rất khó khăn bởi khối lượng đất ít, tổ chức bán đấu giá sẽ cần nhiều kinh phí, thủ tục ngoài khả năng tài chính của địa phương.

“Trong khi đó, thực tế diện tích đất dôi dư sau khi cải tạo không đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật của đất san lấp, cũng không được xem như một loại khoáng sản nhưng theo quy định sau cải tạo không được vận chuyển khỏi địa bàn, phải đưa đi bãi thải (trong khi bãi thải không có)… nên rất khó khăn cho HTX cũng như các đơn vị thực hiện”,  ông Linh cho biết thêm.

Để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng cải tạo đất sau lũ hàng năm, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT, Sở NN&PTNT kiểm tra, rà soát công tác cấp giấy phép khai thác tận thu đất dôi dư từ quá trình cải tạo đất nông nghiệp; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra tình trạng lợi dụng cải tạo đất để khai thác, mua bán đất trái phép. Đồng thời, rà soát các khu vực bị bồi lấp ảnh hưởng đến sản xuất nhằm đề xuất phương án cải tạo.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN