Âu thuyền tại Cảng biển Thuận An mới sắp hoàn thành

Chủ động ứng phó

Ngư dân Trần Quốc ở phường Thuận An (TP. Huế) chia sẻ: Suốt quá trình vươn khơi, khai thác hải sản trên biển, chủ tàu thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết thông qua radio, bộ đàm và điện thoại di động được chuyển tải từ đất liền. Khi có thông tin thời tiết xấu trên biển sẽ sử dụng thiết bị định vị, giám sát hành trình di chuyển tàu đến nơi an toàn theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Trước khi chuẩn bị cho chuyến vươn khơi vùng biển xa hoạt động khai thác dài ngày, ông Quốc cùng với ngư dân thường theo dõi dự báo thời tiết trên biển ít nhất trong khoảng mười ngày tới. Nếu thời tiết trong thời gian này đảm bảo an toàn tuyệt đối mới có thể vươn khơi. Mùa này diễn biến thời tiết bất thường nên có thể rút ngắn thời gian hoạt động khai thác trên vùng biển xa, biển khơi, hoặc khi nhận thấy thời tiết có dấu hiệu bất thường phải chủ động, nhanh chóng di chuyển vào bờ, hoặc tìm đến nơi gần nhất trú tránh an toàn.

Ông Quốc cho rằng, không chỉ an toàn tính mạng mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả phương tiện trị giá 5-7 tỷ đồng trở lên. Các hạng mục, thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu đều có giá trị lớn, nếu xảy ra hư hỏng, thiệt hại sẽ tốn chi phí khắc phục, sửa chữa khá lớn. Một số mùa bão, lũ, có nhiều tàu đã từng xảy ra hư hỏng thiết bị, tốn chi phí hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng để sửa chữa, khắc phục. Khi tàu về bờ, việc neo đậu, trú tránh an toàn cũng được ngư dân quan tâm đúng mức. Điều này phần lớn phụ thuộc vào ý thức, kinh nghiệm của mỗi ngư dân.

Tàu neo đậu tại Cảng biển Thuận An

Trước hết, ngư dân phải tuân thủ quy định của chính quyền địa phương, từng lượt tàu thuyền được di chuyển vào âu neo đậu theo thứ tự, không tranh giành, chen lấn dễ dẫn đến mất trật tự an ninh, mất đoàn kết. Kỹ thuật neo đậu tàu thuyền phải theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, giữ vị trí, khoảng cách an toàn giữa các tàu. Trên mạn tàu phải kết nối phao xốp, lốp xe, các vật liệu chống va đập, tránh gây hư hỏng thiết bị, vỡ mạn tàu. Thiết bị máy móc, lưới cụ phải được tháo dỡ đưa về nơi cất giữ an toàn, tránh hư hỏng khi bão, lũ lớn xảy ra.

Không chủ quan, lơ là

Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, TP. Huế, ông Nguyễn Văn Giàu thông tin, trên địa bàn phường có khoảng 337 tàu thuyền, trong đó có 122 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, là địa phương trọng điểm của thành phố, tỉnh về nghề khai thác biển. Ngoài hỗ trợ nâng cao số lượng tàu, chất lượng khai thác hải sản, địa phương kết hợp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản ngư dân. Các hoạt động nâng cao kỹ năng xử lý tình huống thiên tai, sóng to, gió lớn trên biển được phường Thuận An quan tâm, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản.

Trong đó, yêu cầu chủ tàu, ngư dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là mà cần phải đề cao cảnh giác, chấp hành quy định, hướng dẫn của địa phương và cơ quan chức năng trong quá trình vươn khơi, khai thác hải sản trong mùa mưa bão. Chủ tàu thuyền, thuyền trưởng khi nghe thông tin, bắn pháo hiệu kêu gọi từ đất liền phải khẩn trương di chuyển phương tiện về bờ, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn gần nhất theo sự chỉ dẫn của cơ quan chức năng. Trong quá trình neo đậu trú tránh bão tại các âu thuyền, cảng biển của tỉnh khác, nước ngoài cần tuân thủ quy định của pháp luật…

Ngư trường khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh thường hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và trở ra đường ranh giới vùng biển Hoàng Sa. Đây là những vùng biển thường chịu ảnh hưởng của các đợt áp thấp, áp thấp nhiệt đới, mưa bão và không khí lạnh. Hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, là một trong những điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác an toàn, hợp pháp và ứng phó thiên tai.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh, ông Võ Giang thông tin, trước mùa bão, lũ hằng năm, chi cục cùng với Cảng cá tỉnh, các xã, phường, thị trấn ven biển triển khai thông báo, hướng dẫn ngư dân thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản. Trước khi nhận được thông báo xuất hiện bão, lũ từ cơ quan chức năng, CCTS tổ chức thực tế các âu neo đậu tàu thuyền trọng điểm (nơi có nhiều tàu cá và nguy cơ tai nạn cao) để kiểm tra, hướng dẫn biện pháp neo đậu an toàn.

CCTS phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Cảng cá tỉnh khuyến cáo ngư dân thực hiện đúng quy định, hướng dẫn về ứng phó bão, lũ. Tùy theo cấp độ, tính chất của từng đợt bão, lũ có thể hướng dẫn, hoặc phối hợp các địa phương, ban ngành điều động, di chuyển bớt tàu thuyền đến các vùng kín gió, vùng nước không xoáy như tại Quy Lai, xã Phú Thanh (TP. Huế), các vịnh trên sông Hương... nhằm giảm áp lực tại các khu neo đậu như Phú Hải, Phú Thuận khi số lượng tàu cá quá lớn.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.400 chiếc thuyền nan tại các vùng bãi ngang ven biển. Giá trị mỗi chiếc thuyền nan tuy không lớn như tàu xa bờ, nhưng là tài sản có giá trị của ngư dân trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Vào đầu mùa mưa bão, hoặc trước khi xảy ra bão, các địa phương, CCTS tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đưa thuyền lên bờ giằng neo, đến vị trí trú tránh một cách an toàn. Thiết bị máy móc, lưới cụ được tháo dỡ đưa lên những vùng cao ráo cất giữ trước khi bão xảy ra.

Bài, ảnh: Hoàng Thế