Mô hình giúp nhau làm kinh tế của phụ nữ A Lưới
Hầu hết phụ nữ làm nông trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, đều tham gia mô hình này. Nơi nương rẫy nằm khuất sâu sau rặng núi A Tia (xã Hồng Thượng), chị Hồ Thị Pơn, Tổ trưởng phụ nữ 4, kể: Khi mới thành lập, tại các nhóm, chị em đều giúp nhau ngày công miễn phí. Để có kinh phí xây dựng quỹ, các thành viên thống nhất thu mỗi ngày công 50.000 đồng. Với những thành viên có hoàn cảnh khó khăn thì tổ sẽ giúp không. Ngoài ra, tổ còn nhận làm công cho những ai trong thôn có nhu cầu.
Chị Hồ Thị Lợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hồng Thượng, nói chân chất mà dễ hiểu: “Nếu một mình trồng một nương ngô hay phát cỏ cho một vạt rừng phải mất 5 - 7 ngày mới xong, nhưng nếu 5 - 7 chị tập trung lại, thì chỉ loáng cái là xong. Lợi ích rõ rệt nên ai cũng thích tham gia. Cứ nay làm cho chị này, mai làm cho chị khác”.
Hình thức đổi công này không chỉ mang lại năng suất trong công việc mà còn tạo điều kiện cho các chị gần gũi và đoàn kết với nhau hơn. Số tiền thu được, các chị dùng để nộp hội phí, góp quỹ “Mái ấm tình thương”, đóng góp học bổng Nguyễn Thị Định, chi các hoạt động, cho chị em vay xoay vòng phát triển kinh tế. Không phải làm nương, làm rẫy một mình, không phải bỏ tiền túi nộp hội phí, lại được vay vốn khi cần thiết nên ai cũng thích tham gia vào “Tổ phụ nữ giúp nhau ngày công”.
Không chỉ Hồng Thượng, mô hình tổ phụ nữ giúp đỡ ngày công đã được nhân rộng trên nhiều xã khác của huyện A Lưới. Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới chia sẻ: Ở vùng núi A Lưới địa hình phức tạp, các chị phải băng rừng vượt suối vào nương, rẫy, vì vậy mô hình giúp nhau ngày công rất ý nghĩa, tạo được sự an toàn cho chị em. Hiện nay, hầu hết Hội LHPN các xã ở A Lưới đều đã thành lập mô hình này.
Để vận động chị em phụ nữ dân tộc ít người tham gia vào các nhóm “Phụ nữ giúp nhau ngày công”, cán bộ phụ nữ từ huyện đến cơ sở đều dành thời gian về thôn, bản tuyên truyền, vận động hội viên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các nhiệm vụ phong trào của hội. Tuyên truyền, vận động một lần chưa được thì hai lần, ba lần. Nói tiếng Kinh chị em chưa hiểu thì chúng tôi nói tiếng của đồng bào. Cũng theo bà Tường, vất vả cực nhọc là điều không tránh khỏi, song mỗi lần tổng kết thấy tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ngày càng giảm, nhiều cặp vợ chồng trước đây thường xuyên xảy ra xung đột nay đã có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc, tỷ lệ hội viên tích cực tham gia phong trào hội ngày càng tăng... thì sự vất vả đó chẳng thấm vào đâu.
Bài, ảnh: An Nhiên