Ảnh minh họa

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ngày 20/9, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá địa phương bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; đặc biệt là Phú Yên, từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm.

Hiện đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu. Phía Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định nếu không ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng này sẽ không gỡ cảnh báo “thẻ vàng."

Theo ông Trần Đình Luân, hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU, đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực, hiệu quả.

Để quản lý đội tàu, ngành đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Việc quản lý đội tàu từng bước đi vào nề nếp, giảm dần số lượng tàu cá để giảm cường lực khai thác và nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi, các tỉnh, thành phố. Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định đạt 96,5%.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã có tiến bộ đạt 95,27%. Các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Cần Thơ đã có tỷ lệ lắp đặt VMS đạt 100%.

Các đơn vị đã trực ban 24/24 giờ theo dõi, thông tin cho chủ tàu cá về việc tàu mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật; tổng hợp, lập danh sách và trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để phối hợp, xử lý. Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến đi khai thác phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị, lao động trên tàu theo quy định. Từ quý 4/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80.000 lượt tàu cá; ngăn chặn, yêu cầu trên 200 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài quay về vùng biển Việt Nam.

Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá tại cảng, ông Trần Đình Luân cho biết một số địa phương như Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tiền Giang, Đà Nẵng, Bến Tre, Kiên Giang… đã tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Do đó kết quả thực hiện đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng. Cùng với đó, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu từ khai thác ngoài vùng biển Việt Nam đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA).

Theo ông Trần Đình Luân, việc xử phạt các hành vi khai thác IUU đã được tăng cường so với trước, từ đầu năm 2022 đến nay tổng số tiền phạt là trên 16 tỷ đồng. Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU, đặc biệt là các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận…

Tuy nhiên, một số tỉnh còn hạn chế trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính như Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Hải Phòng…

Ông Trần Đình Luân đánh giá tỷ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với thực tế và chưa đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là các hành vi vi phạm khai thác IUU như không ghi, nộp nhật ký khai thác, không duy trì hoặc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, khai thác sai vùng, sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm…

Theo ông Trần Đình Luân, người đứng đầu chính quyền các cấp tại một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU trong lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến kết quả thực hiện chuyển biến chậm.

Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng của các bộ và địa phương ven biển trong điều tra, xử phạt hành vi khai thác IUU, đặc biệt là công tác điều tra, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, vì lợi ích kinh tế cá nhân cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Chưa đưa ra xử lý được trường hợp về hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài để răn đe, giáo dục; mặc dù hiện tượng này vẫn diễn ra trên thực tế.

Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, ông Trần Đình Luân cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nâng cao năng lực thực thi của các lực lượng chức năng có liên quan để thực hiện đầy đủ các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan về khai thác thủy sản.

Bộ sẽ cùng các bộ, ngành tổ chức các đoàn công tác liên ngành làm việc với các nước có bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam để nắm bắt tình hình và điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm khai thác bất hợp pháp; kiên quyết đấu tranh các trường hợp lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân Việt Nam; đồng thời triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, đề án về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chiến lược phát triển thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, ổn định sinh kế bền vững cho ngư dân.

Theo TTXVN