Hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp trong nghiên cứu tạo ra nhiều thuận lợi

Nhiều nghiên cứu dừng lại ở nhiệm vụ khoa học

Thống kê từ Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế ĐH Huế, giai đoạn 2016-2020, ĐH Huế có 34 sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) được chuyển giao cho các địa phương, DN với tổng trị giá khoảng 4,95 tỷ đồng; năm 2021, có 12 sản phẩm chuyển giao trị giá gần 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với nguồn lực đội ngũ, năng lực nghiên cứu khi ĐH Huế có đến hơn 4.088 công chức, viên chức, lao động; trong đó có 21 giáo sư, 250 phó giáo sư 808 tiến sĩ và 14 chuyên khoa II, 1.348 thạc sĩ và chuyên khoa I thì vẫn thấy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm chưa thực sự xứng tầm.

Hằng năm, ĐH Huế triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ, chương trình KH&CN. Chỉ tính năm 2021, ĐH Huế có 456 đề tài, nhiệm vụ, chương trình KH&CN các cấp, chưa tính các đề tài khoa học của sinh viên. Nhưng, nếu xét về nguồn thu từ hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ trong tổng nguồn thu, vẫn chưa thể chạm tới mốc 15%. Đại diện một số trường thừa nhận, khá nhiều nghiên cứu trong ĐH đa số dừng lại ở nhiệm vụ khoa học, đăng báo... để tăng uy tín cho nhà khoa học, trong khi các nghiên cứu sản phẩm có thể thương mại hóa và xác lập tài sản bằng sở hữu trí tuệ chưa nhiều.

Thực ra, không riêng gì ĐH Huế, mà đó là thực trạng chung của hầu hết cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Lý do cho vấn đề trên khá nhiều, nhưng không thể phủ nhận điểm nghẽn của các trường ĐH là nghiên cứu công nghệ nhưng khó chuyển giao vì không phù hợp nhu cầu của DN.

Theo tổng hợp kết quả điều tra xã hội học của các tổ chức trong và ngoài nước về thực trạng mối quan hệ giữa DN với cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam, được đưa ra tại Phiên họp lần thứ nhất, Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực (thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh) ngày 18/8, đáng giật mình là chỉ 4% DN hợp tác với các cơ sở đào tạo ĐH trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hầu hết mối liên kết nhà trường và DN đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của DN chứ không phải là từ chiến lược dài hạn. “Bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, DN cũng liên tục có những thay đổi. Hơn nữa, nhiều DN tại miền Trung - Tây Nguyên là DN nhỏ, họ ưu tiên nhiều hơn trong các kế hoạch trước mắt”, đại diện một DN trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ.

Lật lại các biên bản hợp tác, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa ĐH Huế hay các trường với các đơn vị, DN, nội dung hợp tác ít thấy đi sâu về việc đặt hàng về KH&CN. Đơn cử như biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ĐH Huế và Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) về thúc đẩy kết nối hợp tác đổi mới sáng tạo giữa nhà trường và DN, hai bên cam kết hợp tác trong chương trình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của hai bên, tập trung thực hiện các nội dung: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; thực tập, tuyển dụng; tổ chức các sự kiện: hội nghị, hội thảo khoa học, cập nhật, trao đổi thông tin, giao lưu, ngày hội việc làm, giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy khởi nghiệp trong nhà trường; hợp tác về lĩnh vực truyền thông, phát triển thương hiệu.

“Điểm nghẽn” chính sách

Sự gắn kết chặt chẽ giữa trường ĐH - DN sẽ giúp sử dụng tối ưu tiềm lực về tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực, từ đó theo sát nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi cao của đời sống kinh tế - xã hội. Lợi ích thấy rõ, nhưng vì nhiều lý do, hợp tác này thực hiện chưa tốt.

Theo đại diện các trường, qua thực tế triển khai đã bộc lộ một số khó khăn về pháp lý. Trong đó, có sự chồng lấn giữa các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… trong khi chưa có nghị định quy định rõ ràng cách áp dụng những luật này cho cơ sở giáo dục ĐH; Nghị định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục ĐH chưa được ban hành, chưa tạo động lực cho các trường đẩy mạnh hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ.

TS. Nguyễn Chí Bảo, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế ĐH Huế trong một phân tích hiện trạng hoạt động chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm KH&CN tại ĐH Huế cho rằng, việc thành lập DN và hướng đến DN KH&CN trong cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn gặp phải những vướng mắc nhất định. Có nhiều sản phẩm KH&CN rất tiềm năng và ĐH Huế có thể tự thương mại được thay vì phải tìm kiếm DN để chuyển giao, song chưa thành lập được DN sẽ có những khó khăn khi thương mại hóa sản phẩm.

Tính toán giải pháp

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, sự kết nối giữa trường ĐH và DN thực sự cần thiết, vì thế cần tính đến một hệ thống chính sách thúc đẩy để liên thông mật thiết, đem lại nhiều lợi ích hơn. Trong đó, chủ yếu xoay quanh hai phương diện: Nhóm chính sách liên quan đến hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ và nhóm chính sách liên quan đến đào tạo với sự tham dự sâu hơn của DN hoạt động đào tạo của nhà trường.

Vấn đề trên cần được tháo gỡ, với các chính sách mang tầm vĩ mô, trong đó có vai trò từ Bộ GD&ĐT, tiếng nói chung từ các cơ sở giáo dục ĐH trên toàn quốc.

Thực tế, hiệu quả trong hợp tác giữa nhà trường - DN mang lại lợi ích song phương, và cả hai cần cố gắng. Ngoài các hợp tác về đào tạo, giữa cơ sở giáo dục ĐH và DN cần ngồi lại, đánh giá sâu hơn về nhu cầu và tiềm lực của hai bên để tiến tới có những hợp tác về nghiên cứu và phát triển công nghệ, tận dụng “chất xám” của các nhà khoa học để cải tiến những điểm còn hạn chế từ DN.

Phía trường ĐH cũng cần chủ động kết nối, dựa trên thế mạnh sẵn có để hợp tác DN, chú trọng chất lượng hợp tác để đạt hiệu quả dài hạn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc