Dây chuyền gia công quần áo xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Việt Pan Pacific World tại xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Ổn định nền kinh tế vĩ mô
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cho tới nay, thế giới đã phải đối mặt và trải qua nhiều khó khăn, thách thức, các yếu tố rủi ro, bất định gia tăng cùng với tốc độ thay đổi chính sách rất nhanh của các nền kinh tế lớn.
Tại một số thời điểm, khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là đầu năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 có xu hướng được kiểm soát nhưng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kết hợp với xung đột Nga - Ucraina và sự xuất hiện nhiều yếu tố mới đã làm tăng thêm khó khăn, thách thức như: Căng thẳng năng lượng, giá dầu và hàng hóa thế giới tăng kéo theo lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế lớn (như Mỹ, Châu Âu...); chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng tiếp tục bị đứt gãy sau khi đã rất trầm trọng trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu; chính sách tài khóa, tiền tệ được nhiều nền kinh tế điều chỉnh theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát đã tác động không nhỏ tới phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thậm chí một số nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Từ cuối tháng 7/2022 đến nay, theo quy định hiện hành và nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng, tham mưu và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó đã tập trung phân tích, nhấn mạnh một số nhận định về bối cảnh tình hình trước đây và đánh giá những yếu tố mới xuất hiện, những thay đổi mang tính đảo chiều.
Bên cạnh đó, các nước vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí các-bon; thay đổi hành vi đầu tư, tiêu dùng; nâng cao hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu; thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế; áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…
Theo đánh giá, tình hình thế giới diễn biến theo chiều hướng phức tạp, kém lạc quan hơn, khó khăn, thách thức gia tăng trên phạm vi toàn cầu, tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ chuyển hóa thành bất ổn an ninh, chính trị, xã hội tại một số quốc gia và khu vực, nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trong trung và dài hạn, dẫn tới khó khăn, thách thức nhiều hơn trong tham mưu, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong năm 2023 và các năm tiếp theo, đặt ra yêu cầu cao về tính linh hoạt, hiệu quả trong xây dựng và thực thi các giải pháp, chính sách nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.
Nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng tăng 6,42% so với cùng kỳ. Theo nhiều dự báo khác nhau, nếu tiếp tục duy trì đà phấn đấu và bối cảnh thuận lợi, khả năng tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt cao hơn mục tiêu đã đề ra, đạt khoảng 7% (ví dụ như Quỹ Tiền tệ thế giới IMF dự báo tăng 7%, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 7,5%). Đáng chú ý là giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tác động mạnh của diễn biến phức tạp của tình hình kinh, lạm phát, giá cả, thương mại thế giới.
Tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,58%, tương đương các năm 2018 - 2021, nhiều giải pháp kịp thời về thuế, nguồn cung, hỗ trợ giá... đã được triển khai để giảm giá xăng dầu trong nước, đến nay, giá xăng dầu trong nước đã quay trở lại mặt bằng giá cuối năm 2021. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,96 tỷ USD. Điều này được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitchs, Moody’s, S&P, các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ nguồn lực phát triển thông qua việc xây dựng, trình ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa, Cần Thơ, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế tập thể; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình hạ tầng quan trọng, liên vùng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội như: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hạ Long - Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2…
Đồng thời, tiếp tục quan tâm, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động - việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giữ vững quốc phòng an ninh, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, đối ngoại hiệu quả trong tình hình mới. Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.
Triển vọng nền kinh tế 2023
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, năm 2023 là năm sơ kết, đánh giá giữa kỳ các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, tài chính công… Các kết quả đạt được của năm 2023 sẽ là cơ sở quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu 5 năm đã đề ra. Tuy nhiên, sơ bộ đánh giá cho thấy năm 2023 cũng là năm dự kiến có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước.
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong Quý IV và năm 2023. Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. (WB dự báo GDP nước ta tăng 7,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023. IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% năm 2023 là 6,7%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực triển khai. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, là cơ sở tích cực cho tăng trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, tác động của rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2022 và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của năm 2023.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nêu trên, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023). Chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra. Bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Đồng thời cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế để ổn định và nâng cao đời sống. Tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Trong tổ chức thực hiện, cần theo dõi sát tình hình, chủ động trong công tác dự báo, tham mưu, điều hành. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, điều hành giá và các chính sách vĩ mô khác. Phản ứng chính sách nhanh, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kịp thời, tính đến độ trễ trong xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện và thời gian tác động của chính sách.
Theo Báo Tin tức