Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Phiên họp thứ 15
Tại Phiên họp thứ 15 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực, quyết tâm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đổi mới, biện pháp chỉ đạo quyết liệt nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022. Những kết quả tích cực đạt được trong lĩnh vực công tác này đã góp phần duy trì sự ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với những đánh giá, nhận định về tình hình khiếu nại, tố cáo, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp được nêu trong các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Báo cáo của các cơ quan được chuẩn bị nghiêm túc với nhiều số liệu cụ thể, có phân tích, so sánh với năm trước, cơ bản phản ánh đầy đủ tình hình và kết quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo.
Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của các Báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần bổ sung, làm rõ, đánh giá sâu sắc hơn một số nội dung: Chỉ đạo tổng hợp, bổ sung, cập nhật số liệu về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực phụ trách đầy đủ trong 12 tháng thuộc kỳ báo cáo để báo cáo Quốc hội theo đúng quy định.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá, làm rõ thêm về đặc điểm, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2022 và nguyên nhân; làm rõ việc tăng, giảm số lượng, số vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh so với năm 2021 và các năm trước, cả về số lượt, số người, số vụ việc, số đoàn khiếu kiện đông người đến trụ sở tiếp dân và các cơ quan nhà nước; phân loại, làm rõ những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, những việc tồn đọng từ những năm trước, số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; chất lượng giải quyết tố cáo lần đầu, lần tiếp theo...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát, bổ sung toàn diện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó cần làm rõ những giải pháp trọng tâm, then chốt, mang tính đột phá cần thực hiện ngay, những giải pháp cơ bản, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, hạn chế tối đa việc phát sinh vụ việc mới gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bổ sung, làm rõ, nêu cụ thể những Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm chưa tốt, chưa chấp hành nghiêm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất nội dung đưa vào dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022) về tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (làm rõ yêu cầu, giải pháp về sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật; về đầu tư xây dựng trụ sở tiếp công dân; về xây dựng đội ngũ cán bộ và chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Báo cáo số 286/BC-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 cho biết, trong số vụ việc đã được giải quyết, tỉ lệ công dân khiếu nại có yếu tố đúng là 17,1%, tố cáo có yếu tố đúng 19,7% thấp hơn khá nhiều so với bình quân 5 năm trước; thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp trong 5 năm (2016-2021) đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc nhưng riêng đối với năm 2022, đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 31 vụ việc, 34 đối tượng, trong đó có 13 cán bộ, công chức có sai phạm. Việc thực hiện tiếp nhận, xử lý kiến nghị phản ánh về cơ bản đã được các bộ ngành, UBND các địa phương thực hiện tương đối đầy đủ, đúng quy định, trong số 16 bộ, ngành có báo cáo, đã giải quyết được 41.032/42.135 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 97,38%. Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, số lượng đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến các bộ, ngành và UBND các cấp là 1.669.108 đơn kiến nghị, phản ánh, gấp 4 lần số đơn khiếu nại, gấp 9 lần số đơn tố cáo nhưng chưa được quan tâm đúng mức; việc thống kê, báo cáo kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh chưa được thực hiện đầy đủ. |
Theo VnEconomy