Năm học cấp 3, tôi đặc biệt yêu thích tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam. Tác phẩm nằm trong phần đọc thêm, chẳng có tiết học nào phân tích hay cảm nhận, song nó lại cực kỳ hấp dẫn với một đứa hay mơ mộng như tôi. Vừa đọc, tôi vừa hình dung về ngôi nhà tĩnh lặng và mát rợi, khiến nhân vật Thanh dù ra tỉnh bao năm vẫn luôn thích thú và luyến nhớ mỗi khi đi xa hay trở về. Căn nhà có khu vườn rợp bóng, có cây hoàng lan cao xanh tỏa hương tươi mát, ngỡ như chỉ cần bước vào đó, đóng sập cánh cổng là sẽ mở ra một thế giới của bình yên, buông bỏ. Những thương mến thầm kín của mối tình chớm nở giữa Thanh và Nga, có cây hoàng lan, có bông hoàng lan dậy hương nồng nàn và ngọt dịu làm chứng nhân.

 Ngày nhập trường đại học, tôi bất ngờ và sung sướng reo lên khi thấy trong khuôn viên trường có một cây hoàng lan. Lúc đó cây đã hơn mười năm tuổi, nằm bên cạnh thư viện. Cái thư viện chỉ chưa đầy trăm mét vuông lúc nào cũng nhộn nhịp, đám sinh viên cứ rủ rỉ, tíu tít với nhau như chim non. Nhiều khi, tôi tới thư viện vì thói quen, vì nhớ mùi hương thoang thoảng vương đâu đó trên tờ báo, trong cuốn giáo trình tham khảo mà trước đó dường như có ai đã hữu ý nhặt hoa đặt vào. Nghỉ hè, tôi thường ở lại thành phố làm thêm ở các quán cơm hay quán cà phê. Thỉnh thoảng sau buổi tan ca, tôi lững thững đạp xe vào trường, ngồi xuống ghế đá dưới tán cây hoàng lan mà nghỉ mệt. Cứ thế, dưới tán hoàng lan ngày một cao lớn, tôi thỏa sức thả hồn bay bổng với hương thơm thanh khiết mà cho mình những phút giây sống chậm.

Hoa hoàng lan, nghe đâu do người Pháp mang sang trồng từ hơn trăm năm trước. Họ còn dùng tinh dầu của hoa để chưng cất, sản xuất nước hoa. Hoàng lan còn có nhiều tên gọi khác nữa như: hoàng ngọc lan, hoa hông chúa, ngọc hoàng lan, ngọc lan tây, y lang - y lang… Hoa thường nở thành chùm. Khi mới nở có màu xanh lục, dần chuyển màu vàng ánh xanh, đầu hoa xòe rộng và xoắn lại. Không chỉ có hương thơm nồng nàn, thơm dịu quyến rũ, mà hình dáng hoa cũng đẹp lạ. Hoa có sáu cánh dài lượn sóng xếp thành hai vòng, cuống hoa nhỏ nên hoa cúi rủ xuống phía dưới. Sau khi tàn, mỗi bông hoa sẽ kết thành một chùm quả có nhiều hạt màu xanh khi non và sẽ chuyển màu đen khi chín.

 Tôi có một kỷ niệm đặc biệt với hoàng lan, không phải vì chuyện tình lãng mạn nào đó, mà là về công dụng trị bệnh của nó. Lần ấy, sau khi thức giấc, tôi giật mình khi thấy một mảng những mụn nước li ti nơi khóe miệng, cảm giác đau rát như bị bỏng. Thấy tôi đeo khẩu trang đến lớp, cô bạn cùng bàn sau khi xem xét thì “phán” tôi bị giời leo (zona). Giờ nghỉ giải lao, bạn lặng lẽ đi tìm hái bông hoàng lan, đem giã nát đắp lên. Sau vài ngày “liều” nghe theo bạn đắp “thuốc”, tôi thấy đỡ dần và khỏi. Sau này tìm hiểu nhiều về hoàng lan tôi mới biết, cây hoàng lan còn có nhiều công dụng khác nữa. Vỏ cây được dùng làm thuốc nhuận tràng, chữa đau dạ dày, hoa khô dùng trị bệnh sốt rét, hoa tươi thì không chỉ chữa giời leo, mà còn trị được hen suyễn, đau nhức đầu...

Kỷ niệm 20 năm ra trường, chúng tôi có dịp hạnh ngộ trong lần hội khóa. Cảm giác xuyến xao xen chút phấn khích khi thấy cây hoàng lan chốn cũ vẫn tươi tốt qua bao mùa. Thư viện không còn ở đó mà đã được xây dựng ở góc khác trong khuôn viên trường khá khang trang, hiện đại. Góc thư viện cũ giờ được sửa sang thành không gian xanh. Và, dưới tán hoàng lan ấy, tôi vẫn thấy bao bạn trẻ mơ mộng như mình thuở trước, họ lặng lẽ ngồi trên ghế đá đọc sách, tí tách gõ phím. Cô bạn thân giã hoàng lan đắp giời leo cho tôi ngày ấy nay đã là một luật sư có tiếng, vẫn bí ẩn và dịu dàng như thế. Chúng tôi đứng dưới gốc hoàng lan, dang tay hít thở, ríu rít ngửa mặt lên tìm hoa. Dường như tất cả đều quên đi tuổi tác của mình, chỉ còn những nồng nhiệt mê say với hương hoa ngát thơm vây bủa.

Mai Đình