Tại Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022 – khu vực châu Á và châu Đại Dương vừa tổ chức trao giải tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 7/9 vừa rồi, Hội An tiếp tục chiến thắng hạng mục điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á. Huế không được giải thưởng này. Có được danh hiệu nào danh giá thì đáng mừng nấy. Nhưng cũng cần hiểu rằng, một khu resort khác với một vùng đất. Và sự sang trọng, về mặt ý nghĩa cũng không hoàn toàn trùng khít với khái niệm văn hóa.

Tiêu chí của mỗi cuộc thi khác nhau, số lượng giải được chọn cũng khác nhau. Hơn nữa đã thi thì “chọn bó đũa lấy cột cờ”. Đó là việc của nhà tổ chức cuộc thi. Nhưng, đối với Huế, chúng ta luôn đề cao là một vùng đất văn hóa, vùng đất du lịch… nên cũng có chút gì đó băn khoăn trước thông tin này! Chúng ta hiếu khách khác hoàn toàn với việc khách có “hiếu” mình hay không. Rõ ràng, vùng đất Hội An được du khách, đặc biệt là khách quốc tế chú ý nhiều hơn. Điều này không phải nhận định suông mà thể hiện qua con số. Năm 2019, là năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đến Huế là 2,19 triệu lượt khách thì Đà Nẵng 3,52 triệu và Quảng Nam là 4,66 triệu lượt. Lượng khách nội địa đến Huế cũng ít hơn hai địa phương nói trên.

Nhưng suy đi nghĩ lại thấy cũng chẳng sao về một danh hiệu. Quan trọng nhất là biết được du khách nhìn nhận như thế nào về mình để mà phấn đấu. Trong cuộc vinh danh nói trên, Thừa Thiên Huế không về “tay không”. Một vùng đất của Thừa Thiên Huế cũng được xướng danh, ấy là Lăng Cô. Khu resort Banyan Tree Lăng Cô chiến thắng ở hạng mục - khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu châu Á.

Trong danh sách tranh giải ở các hạng mục có cả Đà Nẵng và Quy Nhơn. Như vậy, khu vực Trung Trung bộ có 4 địa danh được xướng danh là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn. Một vùng đất Trung Trung bộ “chật hẹp”, việc có 4 địa danh được xướng tên cùng một lúc cũng là của hiếm, là điều đáng lấy làm vui mừng cho vùng đất này, cho dù đó là hạng mục nào.

Từ đây, cho chúng ta suy nghĩa đến sự liên kết để phát triển, ít nhất là trong cụm Huế - Đà Nẵng - Hội An.

Thực ra ba địa phương cũng đã từng ký kết chương trình hợp tác để cùng nhau phát triển du lịch. Nội dung cụ thể được xác định đó là xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch miền Trung; cùng tổ chức các hội nghị quảng bá du lịch ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ tổ chức ở một số nơi khác nữa. Nhưng thực ra hiệu quả của những ký kết này như thế nào thì chưa được nhận biết một cách rõ ràng.

Quả là nói thì dễ, ngồi lại với nhau bàn bạc thì dễ nhưng thực tế như thế nào, hiệu quả ra sao thì khó mà đánh giá cho cặn kẽ được!

Những giải thưởng uy tín và danh giá về du lịch được công bố cũng là một dịp để các địa phương cùng nhau quảng bá thương hiệu. Ví dụ như Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022 – khu vực châu Á và châu Đại Dương vừa rồi, cả ba địa phương đều lọt vào những hạng mục danh giá khác nhau. Nhân đây, có thể cùng nhau hợp tác để quảng bá thương hiệu nhân sự kiện hiếm hoi này!

Nguyên Lê