Phòng ngừa các bệnh không lây là trong tâm của chương trình phát triển bền vững. Ảnh minh họa: Shutterstock/Báo Thanh Niên

Báo cáo và cổng thông tin dữ liệu mới, được đưa ra bên lề Khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại một sự kiện do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng với Tổ chức phi lợi nhuận Bloomberg Philanthropies đồng tổ chức.

Báo cáo nội dung

Theo WHO, NCD là một trong những thách thức lớn nhất về sức khỏe và phát triển của thế kỷ này, đứng đầu trong số đó là các bệnh về tim mạch như tim và đột quỵ, ung thư, bệnh tiểu đường và các bệnh hô hấp mãn tính, cũng như các bệnh về sức khỏe tinh thần.

Cùng với nhau, chúng gây ra gần ¾ số ca tử vong trên thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng của 41 triệu người.

Báo cáo mang tên Những con số vô hình: Mức độ thực sự của các bệnh không lây nhiễm và những việc cần làm với chúng, đã nêu bật số liệu thống kê về NCD để minh họa về quy mô thực sự của các mối đe dọa và nguy cơ mà chúng gây ra.

Bản báo cáo cũng chỉ ra các biện pháp can thiệp hiệu quả về chi phí và có thể áp dụng trên toàn cầu cần được triển khai để giảm thiểu tác hại của các bệnh NCD gây ra.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: “Báo cáo này là một lời nhắc nhở về quy mô thực sự của mối đe dọa do NCD gây ra và các yếu tố nguy cơ của chúng”.

Cổng thông tin quốc gia với những số liệu cụ thể

Chia sẻ dữ liệu mới nhất về số liệu quốc gia, các yếu tố rủi ro và việc thực hiện chính sách cho 190 quốc gia, cổng thông tin dữ liệu NCD đã đưa các con số trong báo cáo vào cuộc sống.

Hơn nữa, nó cho phép thăm dò dữ liệu về các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và các bệnh hô hấp mãn tính, cùng với các nguyên nhân chính và các yếu tố nguy cơ của chúng, trong đó bao gồm thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng quá nhiều rượu bia và thiếu hoạt động thể chất.

Cổng thông tin làm nổi bật các mô hình và xu hướng ở khắp các quốc gia và cho phép so sánh giữa các quốc gia và/hoặc trong các khu vực địa lý.

Ông Tedros nhận định: “ Có những biện pháp can thiệp NCD hiệu quả về chi phí và có thể được áp dụng trên toàn cầu mà mọi quốc gia, bất kể ở mức thu nhập nào cũng có thể và nên sử dụng, cũng như hưởng lợi từ nó để cứu lấy sinh mạng và tiết kiệm tiền bạc”.

Thời điểm quan trọng

Cho đến nay, chỉ có một số quốc gia đang trên đà đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) năm 2030 là giảm 1/3 số ca tử vong sớm do NCD.

Chưa hết, NCD là trọng tâm của phát triển bền vững và việc phòng ngừa và điều trị chúng là cơ hội đầu tư hàng đầu, tạo nên tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, vượt xa số tiền bỏ ra để đối phó với bệnh.

Bente Mikkelsen, Giám đốc trung tâm theo dõi NCD của WHO cho biết: “Đó là một quan niệm sai lầm khi nói rằng NCD là bệnh của các nước có thu nhập cao. Điều này được thể hiện rõ nhất khi 85% tổng số ca tử vong sớm là xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”.

Tại thời điểm quan trọng với sức khỏe cộng đồng, WHO nhấn mạnh thông tin mới mang lại cơ hội giải quyết vấn đề và khuyến khích chi tiêu nhiều hơn cho việc phòng ngừa.

Đầu tư 18 tỷ USD mỗi năm vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể tạo ra lợi ích kinh tế ròng là 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tại kỳ họp vừa qua, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu triển khai hành động khẩn cấp đối với bệnh NCD và gia hạn bổ nhiệm cho ông Michael R. Bloomberg là đại sứ toàn cầu của WHO về các bệnh không lây nhiễm.

Ông Bloomberg cho biết: “Khi tiếp tục ứng phó với đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho đợt dịch tiếp theo, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng trong việc giải quyết nguy cơ chính trong số ca nhập viện và tử vong là các bệnh không lây nhiễm”.

Ông khẳng định rằng các bệnh NCD thường có thể được ngăn ngừa bằng cách đầu tư vào các biện pháp can thiệp có hiệu quả và đã được chứng minh. Ngoài ra ông cũng mong muốn tiếp tục triển khai các khoản đầu tư cho NCD và phòng chống thương tật cùng với WHO.

Đan Lê (Lược dịch từ UN News)