ADB dự báo khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2022. Ảnh: camday.new

Theo ADO 2022, chi tiêu của người tiêu dùng ở Indonesia, Myanmar và Philippines đã tăng nhanh sau khi các nước này mở cửa lại biên giới sau các đợt phong tỏa vì đại dịch COVID-19. “Nhu cầu trong nước mạnh mẽ đang mang lại nhiều lợi ích cho Indonesia và Philippines”. Tuy nhiên, giá hàng hóa toàn cầu cao hơn và triển vọng kinh tế toàn cầu mờ nhạt đang ảnh hưởng xấu đến tâm lý người tiêu dùng và kinh doanh ở Singapore và Thái Lan, báo cáo nêu rõ.

Cũng theo ADB, dự báo tăng trưởng trong năm nay của Lào, Singapore, Thái Lan và Đông Timo đã được điều chỉnh giảm do nhu cầu bên ngoài từ các nền kinh tế lớn suy yếu, và điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của 4 nền kinh tế nói trên.

Đối với Brunei, Campuchia, Malaysia và Việt Nam, ADB không thay đổi mức tăng trưởng dự báo so với trước. Đáng chú ý, Việt Nam vẫn duy trì dự báo tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN ở mức 6,5% trong năm nay (cùng với Philippines), và sẽ tiếp tục tăng nhẹ lên 6,7% trong năm 2023, nhờ “các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến ​​trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa”, ADB cho biết.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Tuy nhiên, ADB đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2023 đối với Đông Nam Á từ mức 5,2 % xuống 5%, do kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu yếu hơn, gián đoạn chuỗi cung ứng, các hạn chế chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn và lạm phát ngày càng cao.

Cụ thể, ngân hàng này dự báo lạm phát ở khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên 5,2% cho năm 2022 và 4,1% cho năm 2023, được thúc đẩy bởi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, đặc biệt là ở Indonesia, Thái Lan và Philippines, cũng như các nền kinh tế lớn khác trong khu vực. Song song đó, việc các đồng nội tệ mất giá so với đồng USD khiến giá nhập khẩu tăng lên sẽ tác động đến triển vọng lạm phát của các nước ASEAN, đặc biệt là ở Lào, Myanmar và các nền kinh tế nhỏ hơn khác.

Đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á đang phát triển, bao gồm 46 thành viên của ADB trải dài từ Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương đến Kazakhstan ở Trung Á, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 ở khu vực này xuống còn 4,3%, thấp hơn so với mức dự báo 5,2% đưa ra hồi tháng 4/2022.

Trong khi đó, lạm phát ở khu vực này được dự báo sẽ tăng từ 3,7% lên 4,5% trong năm nay, do tác động của xung đột ở Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá thực phẩm và năng lượng leo thang.

Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết: “Trong khi lượng kiều hối vẫn ổn định và du lịch đang phục hồi, các dấu hiệu suy thoái đã bắt đầu xuất hiện, bằng chứng là lượng đơn đặt hàng xuất khẩu yếu hơn và điều kiện tài chính xấu đi”. Đồng quan điểm với ông Asakawa, nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cũng cảnh báo về “những rủi ro tiềm ẩn rất lớn” đối với triển vọng của khu vực, bao gồm sự giảm tốc mạnh mẽ trong tăng trưởng toàn cầu, thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự kiến ​​ở các nền kinh tế tiên tiến, xung đột ở Ukraine tiếp diễn, sự giảm tốc sâu hơn dự kiến ​​ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp của đại dịch – những rủi ro có thể làm giảm hơn nữa tốc độ tăng trưởng của châu Á so với dự báo.

Cần cải thiện môi trường kỹ thuật số

Trong bối cảnh đó, ADB nhấn mạnh đến việc cải thiện môi trường kinh doanh kỹ thuật số cho các doanh nghiệp trong khu vực. Theo đánh giá của ngân hàng này, số hóa đã và đang mang lại những cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương. Được xem là động lực của sự đổi mới, là chìa khóa cho các nền kinh tế hướng tới mục tiêu đạt được trạng thái thu nhập cao, số hóa cũng có thể làm cho các nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn, như đã được thấy khi giúp nhiều doanh nghiệp sống sót trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và tạo việc làm trong thế giới hậu đại dịch.

Tuy nhiên, theo Chỉ số toàn cầu về Hệ thống Khởi nghiệp Kỹ thuật số của ADB, ngoại trừ Singapore và Hàn Quốc, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều bị tụt hậu khi nói đến môi trường kinh doanh kỹ thuật số.

Do đó, nhà kinh tế trưởng Albert Park cho rằng “để tinh thần kinh doanh kỹ thuật số có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới hậu đại dịch, cần có một môi trường hỗ trợ được kích hoạt bởi các chính sách và khuyến khích có lợi. Mặc dù môi trường kinh doanh kỹ thuật số của châu Á đã đạt được những bước tiến đáng kể trong vài năm qua, nhưng vẫn còn rất nhiều chỗ cần cải thiện”.

Theo đó, ngoài việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như mạng băng thông rộng, các chính phủ cần thúc đẩy sự ổn định chính trị, hệ thống luật pháp đáng tin cậy, thị trường mở và cạnh tranh, và quyền sở hữu chặt chẽ. Một phân tích của ADB cho thấy các điều luật mạnh mẽ có tác động tích cực đến sự đổi mới của doanh nghiệp, trong khi ít tham nhũng hơn trong xã hội sẽ thúc đẩy thêm nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ ADB)