Năm 1636, một năm sau khi lên ngôi, vị chúa thứ ba xứ Đàng Trong Nguyễn Phúc Lan dời phủ về làng Kim Long. Theo nhà nghiên cứu văn hoá Huế Phan Thuận An, cố đạo Alexandre de Rhodes đã mô tả Kim Long như là một thành phố lớn. Ông cho rằng phủ chúa lúc ấy rất khang trang, nhà cửa xinh xắn, phần lớn làm bằng gỗ với cột kèo chạm trổ tinh vi, nhà nào chung quanh cũng có vườn.
Lối vào Phú Mộng - khu nhà vườn nổi tiếng ở Km Long
 
Ngay ở đầu thôn Phú Mộng là phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Đây là ngôi nhà xưa vua Gia Long ban cho Tả quân có ba gian hai chái, bên trong làm bằng gỗ kiền kiền, chạm trổ tinh xảo, dựng cách đây 187 năm. Khi Tả quân vào Nam trấn thủ thành Gia Định, ông giao lại cho cháu là Lê Văn Yến. (Người cháu này đậu tiến sĩ được vua Gia Long gả công chúa Ngọc Ngôn). Bàn thờ Tả quân hiện được cháu đời thứ mười, anh Lê Chánh Tuấn coi sóc. Phủ thờ của ông được xếp hạng di tích lịch sử. Kiến trúc ngôi nhà rất đẹp với vườn tược bao quanh, trong nhà còn có nhiều hoành phi, câu đối, cặp trúc hoá long chạm trổ tỉ mỉ.
Từ phủ Tả quân trở đi, những ngôi nhà rường Huế ken dày trong làng Kim Long. Nhà vườn thôn Phú Mộng còn nguyên vẹn 60 cái. Tiêu biểu là phủ Diên Phước công chúa, phủ Lê Văn Duyệt, nhà ở quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Hữu Điền, các ngôi nhà của các ông bà Nguyễn Hứa Vãn, Mai Khắc Lưu, Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Thị Ngộ, Đoàn Kim Khánh đều mang những đặc trưng nhà cổ truyền thống của Huế.
Người dân Phú Mộng (Kim Long) đã và đang cố giữ nếp văn hoá ứng xử thanh lịch, cởi mở với du khách.
Lê Thục Đan (gt)