Con thuyền làm bằng composite do chú Lòng cầm lái nhẹ nhàng rời bến, đi êm trên mặt nước đầm phẳng lặng. Cách một quãng lại thấy một lá vải dài màu đỏ bay phần phật trên một ngọn tre cao, đó là lá cờ phướn cúng cầu ngư của bà con. Nắng chiều vàng chiếu những tia cuối ngày một cách thong thả như muốn kéo dài hoàng hôn và khi chạm mặt đầm, nắng như tan vào nước để lại trên một vệt vàng gợn sóng óng ánh. Khung cảnh bình yên và êm đềm quá, một bức tranh chiều đầm phá tĩnh lặng sau những xôn xao của cuộc sống ban ngày. Chiếc thuyền máy vẫn chạy đều về phía trước. Chị nhìn các bạn cười đùa, chỉ trỏ và tranh thủ chụp ảnh mà lòng thấy vui thầm lặng, bỗng nghĩ mình như đang đi trong một bức tranh, bức tranh thiên nhiên đẹp của vùng đầm phá nổi tiếng của Huế, một địa chỉ mà nhiều người đã “note” vào nhật ký du lịch của mình khi “check-in” Huế.

Thư giãn và chọn mua đặc sản của đầm Chuồn

Hoàng hôn đầm Chuồn, ngắm những ngôi nhà trên mặt nước được làm bằng mây tre thấy cái hồn dân dã quấn quýt với gió, với mây trời và nước sao gần gũi quá, dáng chú Lòng chống cây sào dài vững chãi trước mũi thuyền trong chiều ngược nắng, khuôn mặt nhìn nghiêng “hiền như cọng rong đầm” (Hồng Nhu). Cả đoàn đi đổ nò, rồi chèo thuyền súp, mặt trời tắt nắng lúc nào không hay. Màu tím nhạt loang nhanh trên mặt đầm rồi cả mặt nước biến thành màu đen, một vài vì sao mọc sớm mờ nhạt ở phía xa như nhắc nhở “Trời tối rồi, về ăn cơm mạ nấu thôi”. Rổn rảng bước vào tiết mục ẩm thực hấp dẫn mọi người mới sực nhớ chiều tới giờ ham chơi quên mất cái đói.

Anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ nhà hàng “Đầm Chuồn hội quán” là một người con của đầm Chuồn - Phú An. Anh là dân thủy diện gốc nên với anh chuyện thông hiểu đầm phá, luồng lạch ra sao và cuộc sống của người dân đầm Chuồn là câu chuyện ngấm trong máu, ở trong lòng anh với gần năm mươi năm anh lặn ngụp ở khu vực đầm này. Cả gia đình anh trước đây ở trên một chiếc đò, đêm ngủ, ba mạ anh phải chia nhau dậy tát nước kẻo đò chìm. Cơn bão năm 1985 làm tan nát khu vạn đò đầm Chuồn và người dân thủy diện được đưa lên bờ định cư. Gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng cũng ở trong số đó. Ba mươi bảy năm đã trôi qua kể từ cơn bão lớn ấy, bà con vạn đò đầm Chuồn bây giờ ai cũng xây được nhà kiên cố trên đất liền và giữ được nghề truyền thống của mình, con cái được học hành, đường thôn ngõ xóm sạch sẽ. Anh Nguyễn Tiến Dũng vừa nuôi tôm, cá trên đầm, vừa phục vụ ẩm thực khách du lịch.

Chính anh Dũng là người đầu tiên “khai sinh” loại hình phục vụ ẩm thực trên đầm Chuồn. Ban đầu là những người bạn thân muốn được ăn một bữa cơm tại nhà chồ của gia đình anh, trên tấm ván mỏng mà anh dẹp vội đống chăn màn để lấy chỗ bày mâm cơm cho khách. Bữa cơm với hải sản của đầm Chuồn tươi rói, thực khách ngồi giữa cảnh trời mây nước mênh mông, gió thì cứ lồng lộng thổi bay cái chật chội, bức bối ở thành phố. Rồi tiếng lành lan xa, bạn bè Huế dẫn bạn bè ở xa về, những bữa cơm đặt ngày càng nhiều, rất tự nhiên anh Dũng mở rộng căn nhà chồ, rồi cứ rộng dần thêm và thành nhà hàng. Ai cũng nhìn thấy trong người chủ nhà hàng ấy một sự chịu khó tự học để vươn lên. Mỗi ngày anh học thêm một chút, từ cách nấu các món ăn cho đến thái độ phục vụ khách. Món ăn ở nhà hàng “Đầm Chuồn hội quán” không phải do đầu bếp xịn xò nào mà do vợ anh Dũng và anh đứng bếp, nhiều người khen ngon vì trong mỗi món ăn đều chứa “vị gốc của đầm phá” (không pha chế), đậm hương thơm dân dã quê mùa, trong mặn có ngọt của nước mắm ruốc nguyên chất, trong thơm mát còn vương mùi “rong đầm” của món rau câu trộn...

Bầu không khí khi thuyền trở về bến không còn vẻ rộn ràng của buổi chiều. Khi đã cười đủ thì ai cũng trở về với yên lặng. Ánh đèn điện tỏa sáng từ những nhà hàng trên đầm Chuồn tạo một cảm giác thích thú “thuyền em đi trong đêm” mà vẫn an toàn. Một vài chú cá, tôm nhìn thấy ánh đèn pin từ điện thoại nhảy lên đớp bóng. Sau một buổi chiều thỏa thuê với gió đầm, nghe trong tóc có chút rin rít của hơi muối, chị thấy lòng nhẹ thênh khi chú Lòng chào tạm biệt “Mùa mưa gần đến rồi, chú chẳng còn lo chuyện mưa bão không có chỗ núp và đói ăn nữa, tất cả khổ cực đã qua, bây giờ chỉ còn vui thôi”.

“Hoàng hôn ở đầm Chuồn chiều nay là một bức tranh đẹp”, nhớ lại lời của chú Lòng, chị trả lời thư của “thổ địa chuyến đi” rồi chìm vào giấc ngủ.

Bài: XUÂN AN - Ảnh: KHÁNH NHẬT