Nhật Bản dự kiến sẽ tăng mạnh chi tiêu dành cho quốc phòng trong 5 năm tới. Ảnh: Vietnamnet.vn 

Kế hoạch này phản ánh cam kết của Thủ tướng Fumio Kishida trong việc “củng cố cơ bản” khả năng quốc phòng của đất nước trước những diễn biến hiện nay, trong đó có sự phát triển hạt nhân và tên lửa nhanh chóng của Triều Tiên.

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền do Thủ tướng đương nhiệm Kishida lãnh đạo, đang tìm cách tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP hoặc hơn - ngang bằng với mức chuẩn của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhật Bản, được biết đến với Hiến pháp hòa bình, từ lâu đã giới hạn ngân sách quốc phòng hàng năm ở mức khoảng 1% GDP, tương đương hơn 5.000 tỷ yên.

Nếu con số dự kiến ​​hơn 40.000 tỷ yên dành cho chi phí quốc phòng được thông qua trong chương trình quốc phòng 5 năm bắt đầu vào tháng 4/2023 đến tháng 3/2028, chi phí hàng năm có thể đạt 10.000 tỷ yên trong năm tài chính 2028 như Bộ Quốc phòng dự kiến ​​và gần như đạt được mục tiêu 2% GDP dành cho quốc phòng.

Hồi đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất yêu cầu 5.590 tỷ yên - số tiền lớn nhất từ ​​trước đến nay, trong ngân sách ban đầu của đất nước cho năm tài chính 2023 (bắt đầu từ tháng 4 tới). Khoản chi cuối cùng có thể tăng vọt lên khoảng 6.500 tỷ yên một khi bao gồm một số chi phí không xác định.

Theo kế hoạch, từ năm tài chính 2024 trở đi, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ tăng khoảng 1.000 tỷ yên mỗi năm.

Một số lĩnh vực sẽ nhận được khoản tiền bổ sung bao gồm đầu tư vào tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và các công nghệ không người lái khác, cũng như chế tạo các tàu khu trục mới được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch sử dụng số tiền bổ sung để tăng cường khả năng chiến đấu bền vững.

Tuy nhiên, sức khỏe tài khóa của Nhật Bản vốn đã rơi xuống mức “tồi tệ nhất” trong số các nước phát triển, với số nợ gấp đôi quy mô nền kinh tế. Ngân sách quốc gia chưa được tổng hợp cho năm tài chính tiếp theo dự kiến ​​cũng sẽ là một con số kỷ lục.

Được biết ban đầu, Bộ Tài chính nước này dự định duy trì kỷ luật tài khóa bằng cách tài trợ cho việc tăng chi tiêu quốc phòng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, và có kế hoạch trả nợ bằng cách tăng thuế doanh nghiệp và các loại thuế khác.

Tuy nhiên, việc tăng thuế ở Nhật Bản đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, khiến mức chi tiêu quốc phòng dự kiến 40.000 tỷ yên có thể sẽ không được đáp ứng hoặc sẽ bị dồn vào các khoản chi an ninh quốc gia khác, một số quan chức cho hay.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Kyodo News)