Thông tin khuyến cáo về bệnh do vi-rut Adeno

Trước tình hình số trẻ nhập viện do nhiễm vi-rut Adeno tăng cao, để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno tại bệnh viện, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng, chống. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh của các địa phương, khu vực phụ trách để phân tích, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh do vi-rut Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân – hè hoặc thu – đông. Các tổn thương thường gặp nhất là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não, màng não… Vi-rut Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày. Vi-rut Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Vi-rut Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.

Tính đến ngày 25/9, Thừa Thiên Huế vẫn chưa ghi nhận trường hợp trẻ nhiễm Adeno nhập viện điều trị. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, để bảo vệ trẻ trước nguy cơ nhiễm bệnh, cha mẹ chủ động phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh đối với trẻ với các biện pháp gồm: Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi. Cho trẻ ăn dặm hợp lý. Giữ môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá. Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên. Vệ sinh trẻ sạch sẽ và tránh để trẻ bị nhiễm lạnh. Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh. Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

THU THỦY