Đức vừa đạt được thoả thuận an ninh năng lượng "mang tính bước ngoặt" với UAE. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Với sự tham dự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong buổi lễ ký kết, đây được xem là một “thỏa thuận mới mang tính bước ngoặt” nhằm “củng cố mối quan hệ đối tác năng lượng đang phát triển nhanh chóng giữa UAE và Đức”, hãng thông tấn nhà nước của UAE dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Sultan Ahmed Al Jaber của nước này nhấn mạnh.

Được biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm đến UAE trong khuôn khổ chuyến công du vùng Vịnh gồm 3 điểm Saudi Arabia, Qatar và UAE. Tại UAE, Thủ tướng Scholz  đã có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan và thảo luận về “các cơ hội hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực bao gồm an ninh năng lượng, giảm phát thải và hành động khí hậu”.

Theo hãng thông tấn WAM, là một phần của thỏa thuận, UAE sẽ cung cấp một lô khí tự nhiên hoá lỏng vào cuối năm 2022, được sử dụng để đưa vào vận hành nhà ga nhập khẩu LNG của Đức tại Brunsbuettel.

Công ty dầu khí nhà nước ADNOC của UAE đã hoàn thành việc giao trực tiếp lô dầu diesel đầu tiên cho Đức vào đầu tháng này và sẽ “cung cấp tới 250.000 tấn dầu diesel mỗi tháng vào năm 2023”.

Đức đã tìm cách đảm bảo việc nhập khẩu năng lượng từ các nguồn khác ngoài Nga kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm nay. Đất nước giàu dầu mỏ UAE có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng LNG lên 12 triệu tấn/năm vào năm 2026.

RWE cho biết thỏa thuận này đánh dấu “một cột mốc quan trọng” trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng cung cấp LNG.

Theo Reuters, thỏa thuận song phương Đức-UAE, cũng bao gồm các thỏa thuận năng lượng khác, trong đó có thỏa thuận giữa công ty Steag của Đức và Aurubis về việc cung cấp amoniac carbon thấp cho nhiên liệu hydro, với mục đích khử cacbon trong các lĩnh vực công nghiệp. Chuyến hàng đầu tiên đã đến Hamburg trong tháng này.

Trong một tuyên bố ngày 25/9, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho rằng các công ty và người dân cần được hỗ trợ khẩn cấp để vượt qua cuộc khủng hoảng do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine. “Nhìn chung, trong cuộc khủng hoảng phức tạp này, đây là những thời điểm khó khăn… Cần phải giảm giá xăng và hạn chế chi phí cho nền kinh tế và các hộ gia đình”, ông khẳng định.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Financial Times & Reuters)