Người dân Điền Lộc thu hoạch rau để "chạy bão"

Năm nay, toàn huyện Phong Điền trồng hơn 800 ha sắn. Tính đến trước ngày 26/9, toàn huyện còn khoảng 600 ha chưa khai thác. Diện tích sắn chưa thu hoạch tập trung vào các xã, như Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền…

Ông Trịnh Xuân Nhân, chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, năm nay, toàn xã trồng 231 ha sắn. Đến ngày 26/9, chỉ mới 80ha là đã thu hoạch. Trước các dự báo về mức độ ảnh hưởng của bão số 4, cùng với đó là kèm theo một đợt mưa lũ kéo dài sau bão nên trong hai ngày vừa qua, người dân trong xã dốc toàn bộ để thu hoạch sắn. Người dân ưu tiên thu hoạch ở những diện tích ở vùng thấp trũng, nguy cơ ngập úng nếu mưa kéo dài.

Những năm gần đây, Phong Điền dần trở thành “vựa rau” của cả tỉnh và Quảng Trị với vùng rau được quy hoạch ở Điền Lộc và một số xã ở vùng Ngũ Điền. Ghi nhận trong ngày 26/9, riêng trên cánh đồng 50 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Điền Lộc, người dân tranh thủ trời chưa có gió để thu hoạch rau “chạy bão”.

Ông Trần Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết, trong hai ngày vừa qua, người dân đã thu hoạch lên đến hàng tấn rau các loại. Để hỗ trợ người dân, xã yêu cầu các tiểu thương, thương lái không ép giá rau. Ngoài ra, kêu gọi các cửa hàng, người dân trong khu vực hỗ trợ mua nếu số lượng rau tiêu thụ không kịp.

Công nhân HTX Môi trường Phong Điền tiến hành chặt tỉa cành, nhánh cây xanh tại thị trấn Phong Điền phòng chống cơn bão Noru

Để chủ động phòng chống cơn bão Noru, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, các địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền đang khẩn trương kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trên các tuyến đường, nhất là khu vực trung tâm, các trường học, cơ quan công sở... Tại các tuyến đường trung tâm thị trấn Phong Điền và dọc tuyến Quốc Lộ 1A, HTX Môi trường Phong Điền đã huy động phương tiện máy móc, nhân lực tiến hành cắt, tỉa cành, hạ thấp tán cây xanh.

Không riêng tại thị trấn Phong Điền, các địa phương, các trường học, cơ quan công sở trên toàn địa bàn huyện đã huy động lực lượng, cán bộ, nhân viên, giáo viên tiến hành cắt tỉa cây xanh. 

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, đến chiều 26/9, cơ bản các địa phương trong huyện đã hoàn tất đưa các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo. Gia cố xong, đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thuỷ sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản ven biển, ven sông và đầm phá.

Ông Bách nhấn mạnh, những năm qua, Phong Điền thường xuyên xảy ra sạt lở núi, sạt lở bờ sông, vì vậy, huyện đã hoàn thành phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm, ngập úng, như ở xã Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc và Điền Hương; ven sông Bồ đoạn qua xã Phong An, Thôn Cổ Bi xã Phong Sơn; Sông Ô Lâu đoạn qua các xã Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình; đường 71 xã Phong Xuân, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Nam Đông: Đảm bảo an toàn cho người dân trước bão số 4

Ngày 26/9, lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Nam Đông đã đi kiểm tra tình hình chuẩn bị công tác phòng, chống bão số 4 tại các địa phương trên địa bàn huyện.

Tiến hành tháo dỡ các biển, bảng quảng cáo có nguy cơ gãy đổ tại thị trấn Khe Tre

Qua kiểm tra, Thường trực Huyện ủy Nam Đông yêu cầu các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời; không được chủ quan lơ là trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra; thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ; khẩn trương liên lạc, kêu gọi những người đang đi làm trong rừng, ở các vùng sản xuất về nhà hoặc tìm nơi tránh trú an toàn; chủ động thực hiện sơ tán các hộ dân ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, nhà ở không đảm bảo, chú ý các vùng trọng điểm, như: khu vực dân cư dọc suối Aka, thôn 3 và đoạn ngã 3 Thượng Long, khu dân cư thôn Lập, xã Thượng Nhật...

Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Thị Hoài Trâm nhấn mạnh, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến mưa bão để người dân biết và chủ động phòng, tránh, bảo vệ tài sản của mình. Lưu ý vận động người dân tuyệt đối không vớt củi, đánh bắt chim, cá dọc các sông suối khi đang mưa bão; thường xuyên kiểm tra công tác tích nước của hồ thủy điện Thượng Nhật để kịp thời chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Theo dự kiến, có 1.294 hộ với 4.820 khẩu thuộc diện sơ tán tạm thời để đảm bảo an toàn trước bão số 4, công tác sơ tán sẽ được hoàn thành trước 18h ngày 27/9.

Phú Lộc, di dời 1.206 hộ dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ

Chiều 26/9, trên địa bàn huyện Phú Lộc có tổng số hộ dân ở các địa bàn xung yếu, có nguy cơ sạt lở, bị ngập sâu được di dời đến nơi an toàn gồm 1.206 hộ, với gần 3.527 khẩu. Cụ thể, sơ tán tại chỗ 1.075 hộ, với 3.144 khẩu; di dời đến các khu vực tập trung 131 hộ, hơn 383 khẩu.

Lực lượng dân quân xã Vinh Mỹ giúp dân vùng xung yếu giằng chống nhà cửa 

Theo dự báo, khi bão Noru đổ bộ kèm theo mưa lớn kéo dài, toàn huyện Phú Lộc có số nhà trong vùng thấp trũng có nguy cơ bị ngập nước từ 20cm đến 50cm gồm 3.108 nhà (chủ yếu ở các xã Lộc An 436, Lộc Điền 233, Lộc Trì 930, Vinh Hiền 663, Giang Hải 150 và thị trấn Phú Lộc 450...).

Cùng với nguy cơ nhà cửa bị ngập sâu, một số tuyến đường ở các xã Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc Thủy và thị trấn Phú Lộc cũng đã được chuẩn bị kịch bản đảm bảo an toàn khi xảy ra ngập lụt từ 30-50cm.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Thông, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các tổ thủy nông xả các cửa ngăn đập Đại Đề, cống Quan, cống Công Trường và cống Truồi 1, Truồi 2; tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra các hồ chứa nước thủy lợi, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Tại thời điểm này, Công an huyện Phú Lộc tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức lực lượng giúp dân chủ động phòng tránh bão, sẵn sàng ứng trực kiểm soát giao thông tại các khu vực đường xảy ra ngập lụt, các ngầm, tràn...  khi có tình huống, để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn; nghiêm cấm người và phương tiện qua lại các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49B.

Đảm bảo cơ sở vật chất trường học ở thị trấn Phú Lộc trước khi bão đổ bộ

Thiếu tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc cho hay, đơn vị đang phối hợp với các ban, ngành chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương di dời, sơ tán các hộ dân ở vùng nguy hiểm, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ven sườn núi, vùng sạt lở ven biển và đầm phá, ven sông suối, vùng thấp trũng hạ du Hồ Truồi, Hồ chứa nước Thủy Yên...  đến nơi an toàn gồm 1.206 hộ, với gần 3.527 khẩu. Cụ thể, sơ tán tại chỗ 1.075 hộ, với 3.144 khẩu; di dời đến các khu vực tập trung 131 hộ, hơn 383 khẩu. Đặc biệt là đối với 14 hộ bị đe dọa sạt lở đất tại Phú Gia, xã Lộc Tiến, các lực lượng sẽ tiến hành cưỡng chế nếu người dân không chịu di dời.

Theo Bác sĩ Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai đầy đủ các phương án, tiến hành điều chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên để đảm bảo điều trị an toàn. Các trạm y tế xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị dụng cụ cấp cứu; huy động y, bác sĩ túc trực tại đơn vị nhằm đảm bảo ứng phó trong thời điểm xảy ra bão...

*Chiều 26/9, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo đã có chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4. 

Tuyên truyền, vận động người dân gia cố bè nuôi cá vượt lũ tại xã Quảng Phú 

Các địa phương của huyện đã rà soát phương án di dời, sơ tán dân để ứng phó với cơn bão Noru, qua rà soát, số hộ cần di dời, sơ tán 1.077 hộ, 2.792 khẩu (di dời 203 hộ, 436 khẩu; sơ tán tại chổ 847 hộ, 2.356 khẩu). Tổng số ghe tàu khai thác trên biển toàn huyện là 269 chiếc, hiện nay tất cả đã cập bờ, đang được ngư dân di chuyển lên nơi an toàn; ngoài ra các xã, thị trấn đang tổ chức quản lý hơn 600 ghe đò khai thác trên phá Tam Giang để đảm bảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng...

Huyện đã tổ chức dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống thiên tai, trong đó cấp huyện dữ trữ 60 tấn gạo, 10.000 gói mì ăn liền, 16.600 bao tải 1.000 lít dầu Diesel, 900 lít xăng; 70 rọ thép, 1 nhà bạt, 100 phao tròn, 16 áo phao (hiện nay đang đề nghị tỉnh hỗ trợ 50 áo phao và 50 phao tròn). Đã tổ chức tuyên truyền, vận động 39 khẩu thuộc 20 hộ có hộ khẩu ngoài địa bàn huyện còn neo đậu ghe đò trên phá Tam Giang (trên địa bàn thị trấn Sịa).

Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Bảo chỉ đạo, các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức di dời, sơ tán dân theo kế hoạch hoàn thành trước 9h ngày 27/9. Đôn đốc thu hoạch hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản đến kỳ thu hoạch; vận động, kiểm tra các cơ sở đảm bảo nhà xưởng sản xuất, nhất là các trang trại chăn nuôi, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhà trồng nấm, gia cố lồng bè, ao hồ, các khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề...

Tổ chức ứng trực và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức ứng phó tại 2 xã ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn có nguy cơ cao chịu tác động của mưa bão; Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại xã Quảng Công để tổ chức phòng chống bão.

*Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 (bão Noru) chiều 26/9/2022. 

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, TP. Huế sớm chỉ đạo UBND các phường, xã triển khai kêu gọi tàu thuyền vào bờ, di dời dân vùng nguy hiểm trước khi bão vào đất liền; có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo bảy ngày khi có thiên tai xảy ra. Có 3.434 hộ với 12.750 khẩu trong danh sách di dời đến nơi an toàn tránh trú bão.

Qua kiểm tra tại các địa phương nằm ở vùng xung yếu, như Thuận An, Phú Thanh, Phú Thượng…, hiện công tác phòng chống bão được các địa phương chủ động triển khai theo cấp độ cao nhất, trong đó đã hoàn tất công tác kêu gọi, vận động các hộ dân đưa tàu thuyền vào neo đậu an toàn tại hói Phú Thanh, Cảng cá Thuận An và các địa điểm an toàn để tránh trú bão. Các địa phương khẩn trương chặt tỉa cành cây, thành lập các đội phản ứng nhanh, tuyên truyền và hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa và triển khai công tác “4 tại chỗ”. 

Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật nhấn mạnh, các phường xã phải chủ động triển khai các phương án phòng chống bão Noru; huy động tổng lực vừa triển khai các phương án theo kế hoạch, vừa hỗ trợ bà con phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời bố trí sẵn các địa điểm an toàn cho người dân di dời đảm bảo đầy đủ lương thực thực phẩm trước, trong và sau bão. Cùng với lực lượng tại chỗ,  huy động thêm nhân lực trong dân để ứng phó kịp thời khi bão đến, khẩn trương hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa, chặt tỉa cành cây nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, sẵn sàng ứng phó với bão Noru, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra...

Bọc lưới, ràng dây các chậu hoa kê giàn

*Gần 180 hộ trồng hoa tết ở xã Thủy Thanh – vựa hoa lớn nhất của TX. Hương Thủy đã hoàn tất việc bọc lưới, di chuyển số chậu hoa ở khu vực trống đến nơi có vách, tường chắn gió; số chậu đặt trên giàn cũng được bà con kê, chèn, ràng dây chắc chắn. Chuẩn bị cho vụ hoa Tết năm 2023, toàn xã Thủy Thanh trồng hơn 67 ngàn chậu hoa. Rút kinh nghiệm những năm trước hoa bị ngập úng do lũ lụt, người trồng hoa ở khu vực thấp trũng của xã đã làm giàn thấp khá vững chắc để kê hoa. 

Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Minh – Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy thông tin, hiện, TX. Hương Thủy đã lên phương án di dời, sơ tán 985 hộ với 3.169 nhân khẩu đến nơi an toàn và đảm bào các quy định phòng, chống COVID-19, trong đó, số hộ/khẩu cần di dời đến các khu vực tập trung là 112 hộ, 317 khẩu; số hộ sơ tán tại chổ là 633 hộ, 2.036 khẩu.

Sau khi thành lập các đội xung kích với tổng số 750 thành viên; dự trữ 70,5 tấn gạo; hơn 50 ngàn gói mỳ ăn liền; 1.600 lít xăng, dầu; 27.700 lít nước sạch cùng một số nhu yếu phẩm khác, hiện, TX. Hương Thủy đã điều động 10 xe cẩu, 6 xe múc, 12 xe ben và một số cưa máy của 4 DN trên địa bàn: Loan Thắng, Quang Sơn, Hiệp Thành, Tuấn Nguyên và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã sẵn sàng ứng trực.

Các công tác rà soát, kiểm tra giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; cảnh báo các khu vực nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn lưới điện, hệ thống các cột ăng-ten, thông tin liên lạc… trên toàn địa bàn TX. Hương Thủy cũng được thực hiện khẩn trương.

*Lãnh đạo Sở Công thương cho hay, năm nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên công tác dự trữ hàng hóa của các DN thuận lợi hơn so với năm ngoái. 

Bên cạnh nhu yếu phẩm, xăng dầu cũng được các DN dự trữ với số lượng khá lớn

Theo đó, trên cơ sở đăng ký của các doanh nghiệp, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Tài chính thẩm định giá bán, ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa PCLB với 4 DN, trong đó, 2 DN dự trữ gạo (Công ty TNHH Lương thực Thừa Thiên Huế: 80 tấn, Công ty TNHH Thái Đông Anh: 20 tấn) và 2 DN dự trữ mì ăn liền (Công ty TNHH TM Thái Đông Anh: 50 tấn, Công ty TNHH Dịch vụ v& Thương mại tổng hợp Hoàng Đạt: 50 tấn), thời gian dự trữ từ ngày 1/9 - 15/12.

Ngoài dự trữ của tỉnh, còn có dự trữ của các huyện, thị xã, thành phố, gồm: 308 tấn gạo, 52 tấn mì ăn liền, 82.000 lít nước uống, 35.500 lít xăng dầu, 12,5 tấn muối ăn và dự trữ của cấp xã, phường, gồm: 1.487 tấn gạo, 85 tấn mì ăn liền, 287.000 lít nước uống, 184.000 lít xăng dầu, 11 tấn muối ăn.

Đến thời điểm này, các DN phân phối lớn đều có kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ PCBL trong thời gian 3,5 tháng, như: Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế: 890.000 lít xăng, 1.000.000 lít dầu diezen, 20.000 lít dầu hỏa, 25.000 kg gas; Công ty CP Xăng dầu Dầu khí PV Oil miền Trung – Chi nhánh Thừa Thiên Huế: 2.000.000 lít xăng, 2.000.000 lít dầu diezen.

Về nhu yếu phẩm, Công ty TNHH MTV Coomart Huế: 20.000kg gạo, 10.000kg mì ăn liền, 10.000 lít nước uống đóng chai, 2.000 tấn muối; Công ty CP Espace Business Huế (Go! Huế): 2.500kg gạo, 9.000kg mì ăn liền, 5.000 lít nước uống đóng chai; Công ty CP Thanh Tân: 10.000 thùng nước uống đóng chai; Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế: 10.000 thùng nước uống đóng chai.

Liên quan ứng phó bão Noru, hiện, Sở Công thương đã tổ chức kiểm tra công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, vật tư, thiết bị; chỉ đạo các nhà máy thuỷ điện vận hành đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du…

*"Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh triển khai lực lượng, nhất là lực lượng tại chỗ để giúp dân phòng, chống bão. Bộ CHQS tỉnh cũng đã yêu cầu các Ban CHQS địa phương theo dõi, nắm chắc tình hình bão để có phương án ứng phó kịp  thời, nhất là chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng để giúp dân sau bão", Thượng tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh thông tin.

Giúp dân đưa tàu thuyền về nơi an toàn

Bên cạnh lực lượng quân đội thường trực, Bộ CHQS tỉnh cũng triển khai lực lượng tại chỗ, nhất là mỗi xã, phường đều có lực lượng tại chỗ là các Trung đội dân quân cơ động trực sẵn sàng chiến đấu.

Ban CHQS huyện Phong Điền đã huy động cán bộ, chiến sĩ dân quân giúp dân giằng chống nhà cửa, kê cao đồ đạc phòng lụt to sau bão. Nhất là địa bàn năm xã vùng trũng ngũ điền bao gồm các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hải, Điền Hòa và Phong Hải, là địa bàn thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp của bão, và bị ngập lụt sau bão. Nhanh tay vận chuyển những bao cát nặng lên mái nhà, chiến sĩ dân quân cơ động Nguyễn Công Thủ (xã Điền Môn) chia sẻ: "Bà con ở đây năm nào cũng chịu ảnh hưởng của bão lụt, nhiều hộ gia đình nhà cửa lại không kiên cố nên nghe nói bão vô là nơm nớp lo sợ. Để giúp bà con giảm tải thiệt hại chúng tôi không những gia cố lại nhà cho bà con, cột cửa nẻo chắc chắn, giằng mái mà tranh thủ thời gian kê cao những đồ đạc có giá trị lên cao, bởi năm nào cũng vậy, sau bão, mưa lớn là lại ngập lụt nặng.

Trên bờ biển xã Điền Lộc, Phong Hải, Điền Hương… những chiếc thuyền của ngư dân đã được quay lên cao, neo đậu chắc chắn. Để mỗi chiếc thuyền được đi “trú bão” an toàn là nhờ sự hợp sức, đồng lòng của quân và dân.

Trung tá Nguyễn Văn Thạnh, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS huyện cho biết: Để phòng, chống bão số 4 chúng tôi huy động lực lượng, nhất là lực lượng tại chỗ, nhất là Trung đội dân quân cơ động 16 xã phường giúp dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn và trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 h. Chúng tôi cũng đã lên sẵn kế hoạch, chuẩn bị lực lượng , phương tiện để sẵn sàng khắc phục các hậu quả của bão, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Trung tá Đào Ngọc Thanh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phú Vang cho biết:  Để chủ động ứng phó với bão lớn, đơn vị đã yêu cầu cán bộ địa bàn nắm chắc thông tin, phối hợp với các lực lượng nhất là huy động dân quân cùng giúp dân phòng, chống bão.

Ông Nguyễn Thông (Thôn Cự Lại Bắc, xã Phú Hải) cho biết: Nhờ lực lượng dân quân xã giúp đỡ mà đến chiều tối nay, nhà tôi đã được giằng chống xong, sáng mai cả nhà có thể tạm yên tâm đi trú bão.

Tin, ảnh: Quang - Nguyên - Trí- Bình- Hương- Đăng-Thảo