Phần trả lời câu hỏi về hiểu biết pháp luật được các em học sinh hưởng ứng tích cực
Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Trong xã hội hiện nay, các vụ án hình sự ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng, cũng như tính chất và mức độ nguy hiểm. Nguyên nhân có khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, những lời thách thức trên mạng xã hội. Đối tượng gây án có nhiều thành phần, lứa tuổi, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở độ tuổi thanh, thiếu niên, tuổi đời còn rất trẻ, nhận thức pháp luật chưa cao.
PTGĐ là một vụ án hình sự, trong vụ án này có hai bị cáo bị truy tố về tội danh “Cướp tài sản”. Theo đó, bị cáo và bị hại có quan hệ quen biết, bị cáo cho bị hại mượn tiền nhưng bị hại không trả mà còn thách thức bị cáo trên mạng xã hội. Trong một lần đi uống cà phê, cả hai gặp nhau rồi xảy ra xô xát, ẩu đả, bị cáo đã cướp điện thoại của bị hại để cấn nợ. Sau đó bị hại đã tới cơ quan công an trình báo.
PTGĐ đã diễn ra với đầy đủ thành phần, trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Các điều luật được áp dụng trong tình huống giống như phiên tòa thực tế. Từ Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện Viện kiểm sát, Thư ký phiên tòa đến luật sư, bị cáo, bị hại… đều do các cán bộ, nhân viên của TAND tỉnh nhập vai và thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong phiên tòa xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Ông Lê Nhân Đức, Phó Chánh văn phòng TAND tỉnh chia sẻ, qua PTGĐ, các em học sinh lớp 12 đã biết được hoạt động xét xử của tòa án là cơ quan hoạt động quyền tư pháp, giúp các em nắm được những quy định của pháp luật, thế nào là bị xử lý hình sự, thế nào là bị xử phạt hành chính. Ngoài ra còn giúp các em hiểu biết được các quy định của pháp luật hiện hành, như Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân gia đình… Đây là những trang bị cần thiết để các em bước vào đời.
Ngay từ khi bắt đầu phiên tòa cho đến khi HĐXX tuyên án, các em học sinh chăm chú theo dõi từng chi tiết của vụ án cũng như những nhận định của HĐXX. Ngoài những điều luật được áp dụng theo quy định của pháp luật, HĐXX còn giải thích, tuyên truyền pháp luật về tội cướp tài sản. Điều này đã tạo nên sự hứng thú của học sinh và thành công lớn của phiên tòa.
Giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử
“Việc tổ chức PTGĐ hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên hiện nay là rất cần thiết và quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho các em để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho các em. Các em chính là các tuyên truyền viên pháp luật đến với gia đình, hàng xóm và mọi người xung quanh. Trong thời gian tới, nhà trường mong muốn được phối hợp cùng với TAND tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hơn những PTGĐ với các tội danh khác, nhất là các tội về an ninh mạng trong giới trẻ hiện nay” - ông Phan Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ.
Thẩm phán Trần Hưng Bính, Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh, Chi hội trưởng Hội Luật gia TAND tỉnh cho biết, tại PTGĐ lần này, HĐXX cũng lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền pháp luật, giải thích cho các em học sinh hiểu những vấn đề cơ bản như: thế nào là hành vi phạm tội, hậu quả và mức độ nguy hiểm của hành vi. Qua đó, nhằm tuyên truyền, bổ sung những kiến thức pháp luật cần thiết, rèn luyện về tư tưởng và đạo đức trong học sinh, thanh niên, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên.
“Thông qua PTGĐ này, em được hiểu thêm nhiều kiến thức hơn về pháp luật một cách trực quan, sinh động. Được học hỏi cách xử lý, nhận biết các dấu hiệu phạm tội trong các hành vi sinh hoạt hằng ngày. Em sẽ tuyên truyền những kiến thức pháp luật trong PTGĐ này đến những người thân trong gia đình và hàng xóm” - em Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, học sinh lớp 12B2 Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ.
Kết thúc PTGĐ, các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ được tham gia trò chơi dưới dạng trả lời những câu hỏi của Ban tổ chức về các tình huống trong vụ án và giải đáp những thắc mắc của các em về các tình tiết của vụ án trong việc định tội danh. Bên cạnh đó, Chi đoàn TAND tỉnh còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Hình sự tới các em học sinh thông qua các câu hỏi trắc nghiệm. Phần giao lưu diễn ra sôi nổi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh đã góp phần tăng tính tương tác và hiệu quả của buổi tuyên truyền.
Bài, ảnh: Thái Sơn - Minh vũ