Nhiều nước đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề. Ảnh minh hoạ: Laodong
Trong một báo cáo, công ty tư vấn toàn cầu Korn Ferry cho biết đến năm 2030, dự kiến thế giới có thể thiếu hụt đến 85,2 triệu lao động lành nghề. Và đó là dự đoán được đưa ra trước đại dịch COVID-19, giờ đây, tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Mới đây, công ty nhân lực ManpowerGroup phát hiện ra rằng 75% trong số hơn 40.000 nhà tuyển dụng mà họ khảo sát ở 40 nền kinh tế trên khắp thế giới đã ghi nhận “tình trạng thiếu nhân tài” trong năm 2022. Đây là một sự gia tăng mạnh so với mức 54% được báo cáo vào năm 2019 và 69% vào năm 2021; đây cũng là mức cao nhất trong 16 năm qua, ManpowerGroup cho biết.
Giữa thực tế đó, “cuộc chiến toàn cầu để tìm kiếm nhân tài” đã chứng kiến nhiều quốc gia đẩy mạnh các chính sách ưu đãi để hấp dẫn lao động có tay nghề cao từ khắp nơi trên thế giới. Và các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng không nằm ngoài cuộc đua này.
Trong vòng khoảng 2 tuần đầu tháng 9, một cuộc cạnh tranh về nhân tài đã được nhìn thấy giữa các quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Australia và Đài Loan (Trung Quốc). Chính phủ mỗi nơi đều có một kế hoạch thị thực mới hoặc sửa đổi được đưa ra nhằm thu hút những người nước ngoài giàu có hoặc có tay nghề cao.
Australia - quốc gia yêu thích từ lâu của những người di cư - gần đây đã nới lỏng các quy tắc nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động lành nghề - vốn đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19. Ngày 2/9, Chính phủ Australia thông báo quốc gia này sẽ nâng giới hạn cấp thẻ thường trú cho người di cư đến nước này thêm 35.000 người, nâng tổng số lên 195.000 người.
Thái Lan cũng đặt mục tiêu thu hút 1 triệu người nước ngoài trong vòng 5 năm tới thông qua thị thực Cư trú dài hạn (LTR) 10 năm, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Người có thị thực này được hưởng lợi từ cơ hội có được giấy phép lao động kỹ thuật số và đủ điều kiện để bảo trợ cho tối đa 4 người phụ thuộc, có thể bao gồm vợ/chồng và con cái từ 20 tuổi trở xuống.
Cũng như Australia, Malaysia... Singapore cũng tìm cách thu hút các tài năng bằng các chính sách hấp dẫn. Ảnh minh hoạ: Laodong
Trong khi đó, Singapore với chương trình Mạng lưới và Chuyên gia nước ngoài (ONE) cũng đang tìm cách thu hút những tài năng nổi bậc nhất trong các lĩnh vực kỹ thuật, toán học, khoa học và công nghệ, cùng với các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tài chính và thể thao, trong bối cảnh thị trường lao động eo hẹp. Thị thực cho những lao động lành nghề này có giá trị 5 năm và có thể được tiếp tục gia hạn thêm 5 năm nữa.
Sau một thời gian tạm lắng do các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 vào năm ngoái, Đài Loan (Trung Quốc) nay đã trở lại với cuộc cạnh tranh toàn cầu về nhân tài. Gần đây, Đài Loan đã nới lỏng tiêu chuẩn cho chương trình thị thực lao động thường trú có tên “Thẻ vàng việc làm” được đưa ra vào năm 2018. Là một trong những nơi tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và một dân số già, Đài Loan được cho là sẽ không thể tự lấp đầy những khoảng trống này, và do đó, một phần đáng kể phải đến từ những lao động nước ngoài.
Được biết, Đài Loan đang tìm kiếm nhân tài trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa nghệ thuật, tài chính, khoa học và công nghệ, luật, kiến trúc, thể thao, giáo dục và quốc phòng. Thị thực Thẻ Vàng của Đài Loan có giá trị lên đến 3 năm và trang bị một con đường nhanh chóng để có thẻ thường trú nhân trong vòng ít nhất là 3 năm, thay vì phải 5 năm như trước đây.
Mới đây, Malaysia cũng tiếp bước vào cuộc đua thu hút các cá nhân giàu có với Chương trình Thị thực Đặc biệt (PVIP), cho phép những người nộp đơn thành công ở lại nước này đến 20 năm. Không giống như chương trình Malaysia My Second Home (MM2H) hiện có, những người tham gia PVIP được phép làm việc và thực hiện các hoạt động kinh doanh. Họ cũng có thể đưa vợ/chồng, con cái dưới 21 tuổi, cha mẹ vợ, người giúp việc gia đình theo cùng. Chương trình PVIP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.
Malaysia đang đặt mục tiêu thu hút 1.000 lao động trong năm đầu tiên của chương trình và dự kiến sẽ tạo ra 200 triệu RM cho nền kinh tế và khoản tiền gửi cố định là 1 tỷ RM.
Theo phân tích của tờ TODAY, có một số yếu tố phổ biến có thể chi phối đến quyết định chọn điểm đến của những lao động lành nghề. Ngoài thù lao - yếu tố thúc đẩy hàng đầu, thì sự ổn định chính trị, dễ dàng kinh doanh và cơ sở hạ tầng tốt của quốc gia sở tại là một trong những cân nhắc được chú trọng. Bên cạnh những việc liên quan trực tiếp đến công việc của họ, những nhân tài ưu tú cũng có xu hướng xem xét những điều ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên trong gia đình họ, bao gồm một hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt, cùng với điều kiện an ninh được đảm bảo.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Edge Markets & CNA)