Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị, đặc biệt lưu ý lũ quét, ngập lụt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; Duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức phòng, chống lụt, bão.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng cuối năm 2022; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ trong thiên tai, không để bị động, bất ngờ.
Chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống;
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương căn cứ nhu cầu thực tế đề xuất với UBND tỉnh, thành phố có văn bản đề nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hóa chất khử khuẩn (Chloramin B, Aquatabs) từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định.
Đồng thời tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất nhu cầu với Bộ Y tế nhu cầu bảo đảm y tế của địa phương (nếu có) (qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phỏng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh yêu cầu các đơn vị tại địa bàn chịu ảnh hưởng của bão lũ (các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận) khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế, cụ thể là: Di chuyển, sơ tán các đơn vị cấp cứu, hồi sức tích cực, người bệnh nặng cần thở máy, chạy thận...; Vận chuyển di dời các máy móc, thiết bị y tế cấp cứu, hồi sức, hồ sơ bệnh án... đến khu vực cao, tránh bị ngập lụt; bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ; Bảo đảm nguồn điện nước dự phòng, bảo đảm thông suốt về thông tin liên lạc với các đơn vị hỗ trợ và cơ quan quản lý trực tiếp.
Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bản Hà Nội, TP Hồ Chi Minh (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh...) chuẩn bị phương án tham gia hỗ trợ.
Cụ thể như sau: Về nhân lực, cử 20-30 người, thành phần gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn...; Chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau bão lũ; Sẵn sàng đến hỗ trợ cho các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám, chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Bộ Y tế.
Theo TTXVN