Giữa khoảng lặng ở căn phòng yên tĩnh trong khách sạn phố Vạn Phúc, tôi nhớ về những cơn bão mình đã qua. Nhớ cảm giác hẫng hụt khi ôm cặp đến trường nhưng con đường Lê Lợi trước mặt Trường Quốc Học và Hai Bà Trưng đã ngổn ngang cây đổ. Năm 1985 ấy, chúng tôi hãy còn quá trẻ để nghĩ sâu hơn về những mất mát. Chỉ biết thương cây và thương những khoảnh xanh không còn để lũ chúng tôi tụ tập líu ríu giờ ra chơi. Sau đó, là hiểu về một điều gì đó nghiêm trọng lắm khi thấy gương mặt sắt lại vì lo âu của ba, của má lúc trở về nhà.

Lần thứ hai, không phải là bão, mà là cơn đại hồng thủy năm 1999. Tôi đặt đứa cháu lên chiếc chậu nhôm và đẩy nó trên đoạn đường nước ngập sâu qua nhà mình tránh lũ. Ba tôi qua giúp vợ chồng chị gái kê dọn đồ đạc rồi không thể trở về nhà. Con đường thường ngày đã chìm trong mực nước mỗi lúc một dâng cao. Chồng tôi cũng phải ở lại cơ quan. Nửa đêm, có một em trai dạt vào cầu thang khu tập thể, run rẩy vì lạnh. Em chạy lên được đến cây xăng Hùng Vương thì đành bỏ xe lại và lên được chỗ này. Điều mà tôi có thể làm lúc ấy là mang cho em mặc tạm bộ áo quần của chồng, nấu một tô mì tôm và cùng ngồi lắng nghe tiếng mưa không ngớt. Tiếng gió lào xào và mặt nước ngoài cửa sổ chừng như đã gần hơn với ban công tầng hai. Trong khoảng mờ tối của ánh đèn sáp, tôi biết em đang có một cơn bão trong lòng. Nhà em ở Thủy Thanh. Ba mạ già yếu và cô em gái lúc đó còn đang tuổi ăn, tuổi chơi…

Tôi không nhớ hết được những con số thống kê về thiệt hại do lũ lần đó. Chỉ nhớ có nhiều hình ảnh quá sức đau thương. Biết lòng người có nhiều giông bão nén chịu.

Trong căn phòng bình yên giữa ngày thu Hà Nội, tôi đã kể với cô bạn về cơn “lên ruột” của mình khi chờ đợi và thắc thỏm giữa rất nhiều thông tin bộn bề về nhà đổ, cây đổ, làng xóm, các khu dân cư xơ xác vì bão Xangsane. Năm đó, hai vợ chồng cùng đang trong cuộc “ứng thi” ở TP. Hồ Chí Minh. Nhà chỉ còn má tôi, hai đứa con bé bỏng của chúng tôi. Lần đó, cô bạn đồng nghiệp của tôi đã bật khóc ngon lành lúc giám khảo hỏi tình hình bão ở Huế, trước khi là câu hỏi về nghiệp vụ. Bạn lo cho con, cho mạ và nhớ mạ, nhớ con trong chuyến đi gần cả tháng trời. Lại còn bão đầy trời như thế kia!

Tối 27 và rạng sáng ngày 28/9, không chỉ tôi mà có lẽ người dân Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã khó mà chợp mắt khi gió về từng cơn. Huế không phải là tâm bão, mà gió rít làm lòng mình hẫng và trống hoác trong nỗi lo bời bời. Có lẽ mọi người cũng như tôi, luôn vào các trang báo mạng và cả trang facebook của Huy Nguyen để cập nhật tình hình, để đón đường đi của tâm bão dù biết mình chẳng thể nào tránh được nếu Noru đổ bộ. Cơn bão này làm tầng lo âu của mọi người dầy hẳn, khi nó được đánh giá là “cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào đất liền của Việt Nam” mà Huy Nguyen đã viết trên trang facebook cá nhân của mình.

Chúng ta vẫn còn nhiều may mắn khi thiệt hại do bão Noru sẽ không nhiều như Xangsane, như Damrey hay Ketsana. Tâm thế và tinh thần chống bão đã được hình thành và đúc kết từ những gì đã trải qua và tận thấy. Đó là điều người miền Trung, người Huế có được trong suốt những thập niên chạy bão và phòng bão.

Lê  Bình An