TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng hiện nay, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng:
Nguyên nhân của bạo lực học đường có cả chủ quan và khách quan. Về phía chủ quan, như chúng ta đã biết, lứa tuổi học sinh THCS, THPT là đang trong giai đoạn phát triển dậy thì, cơ thể và tâm lý của các em có quá nhiều thay đổi, rất dễ bốc đồng, dễ nổi nóng, thích thể hiện, thích khẳng định, nhưng khả năng kiểm soát cảm xúc lại yếu, chỉ cần một tác động nhỏ là có thể dẫn đến các hành vi bạo lực.
Có tình trạng nhiều học sinh hiện nay đang buồn chán, thiếu hoạt động để tham gia, đặc biệt là sau thời gian 2 năm các em phải trải qua các khủng khoảng của đại dịch COVID-19. Cũng có tình trạng một bộ phận học sinh đang có các thái độ vô cảm trước những hành vi bạo lực, không can thiệp mà còn tung hô, cổ xúy, quay video đưa lên mạng. Đặc biệt các em học sinh còn thiếu về kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng quản lý cảm xúc nên khi đứng trước những tình huống căng thẳng, các em không biết cách giải quyết, không biết tìm kiếm sự hỗ trợ và không biết cách giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường còn có nguyên nhân từ việc các em sử dụng chất kích thích, nên khi gặp căng thẳng, các em dễ bị kích động… Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện các hành vi hung tính, lệch chuẩn.
Về nguyên nhân khách quan, các em học sinh ít nhận được sự quan tâm từ phía gia đình, hoặc các em lớn lên trong môi trường gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên cãi vã, đánh đập, hoặc ly thân, ly hôn… Các em đang bị lạc lõng và bỏ rơi trong chính gia đình của mình. Trong khi đó, nhà trường vẫn chưa có nhiều hoạt động, chương trình cho các em tham gia, đặc biệt là các chương trình, hoạt động trang bị các kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường.
Áp lực học tập, sự kỳ vọng quá cao của bố mẹ và xu hướng xã hội cũng là một trong các nguyên nhân gây ra căng thẳng cho các em học sinh. Đặc biệt là sự tác động của mạng internet, các văn hóa phẩm, phim ảnh, game bạo lực… đã tác động và dẫn đến các hành vi bạo lực của học sinh. Bên cạnh đó, các em ít nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người, đặc biệt là những người thân.
Về phía các nhà trường, có ý kiến cho rằng các trường học còn nặng về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh mà quên đi nhiệm vụ giáo dục con người. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay tại lớp học nhưng nhà trường không biết, chỉ đến khi trên mạng xuất hiện clip mới cho xác minh, xử lý. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực sự mà nói có tình trạng học tập quá nặng, học sinh ít được quan tâm giáo dục về các kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, thiếu hoạt động trải nghiệm, hoạt động thiện nguyện. Không hẳn là các trường không biết tình trạng học sinh đánh nhau, tuy nhiên thời gian vừa qua tình trạng học sinh đánh nhau diễn ra ngoài phạm vi của các nhà trường. Thực sự cũng rất khó để các nhà trường có thể kiểm soát hết được những hành vi bạo lực của học sinh.
Nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và tạo môi trường thật thoải mái cho học sinh (Ảnh minh họa)
Phải khẳng định một điều là, một mình các trường không thể làm giảm tải được số lượng các vụ bạo lực học đường, cần phải có sự chung tay của gia đình, các tổ chức chính trị, xã hội, hệ thống giám sát, hỗ trợ… Tránh tình trạng chúng ta giao khoán hết nhiệm vụ này cho nhà trường, cần phải có sự vào cuộc và chung tay của toàn xã hội.
Để phòng, chống bạo lực học đường, cần có những giải pháp cụ thể nào? Theo ông, trong số những giải pháp đó thì giải pháp nào là quan trọng nhất và vì sao?
Trước hết các em học sinh phải nhận được sự quan tâm từ chính gia đình, đặc biệt là bố mẹ… Các gia đình cần phải hiểu được đặc thù lứa tuổi và tâm tư, nguyện vọng của các em. Cha mẹ hãy dành cho các em nhiều sự yêu thương hơn, hãy tạo cho các em một môi trường sống bình an, hạnh phúc ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bố mẹ không nên đặt ra quá nhiều áp lực cho các em. Thành tích học tập và sự kỳ vọng đang đè nặng lên đôi vai của các em học sinh. Hãy khích lệ, động viên, chia sẻ, ủng hộ để các em tự tin với những gì mình đang có. Hãy để các em được cảm nhận hạnh phúc và sự yêu thương từ chính môi trường sống này.
Về phía các trường, cần cho các em một không gian học tập thật sự thoải mái, bình an; cho các em nhiều hoạt động có ý nghĩa; tổ chức giáo dục các kỹ năng giải quyết mẫu thuẫn, quản lý cảm xúc, kỹ năng phòng tránh bạo lực, phát huy vai trò của các phòng tư vấn trong các nhà trường; kịp thời phát hiện, hỗ trợ cho các em khi các em gặp khó khăn trong các vấn đề phát triển tâm, sinh lý. Nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em học sinh về hậu quả của bạo lực học đường, giữ kênh kết nối chặt chẽ với cha mẹ, các lực lượng giáo dục ngoài xã hội để kịp thời phát hiện và hỗ trợ cho các em học sinh.
Về phía các lực lượng xã hội, cần chung tay cùng với nhà trường, theo dõi, giám sát, hỗ trợ và tạo ra môi trường sống an toàn hơn cho các em học sinh. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời, xử lý dứt điểm các hiện tượng bạo lực của học sinh, sử dụng công cụ pháp luật một cách nghiêm minh nhưng mang tính giáo dục phù hợp với đặc thù lứa tuổi, để các em có cơ hội sửa chữa. Cần có sự giám sát chặt chẽ, ngăn chặn sự lan truyền những video về bạo lực, tránh tình trạng cổ vũ, tung hô cho các video này.
Ông có thêm lời khuyên nào dành cho các em học sinh và các phụ huynh trong việc giáo dục, theo sát con mình để dạy con trở thành những đứa con ngoan và có ứng xử phù hợp trong cuộc sống không?
Cha mẹ đừng cho rằng, hạnh phúc của con phải gắn với hạnh phúc của bố mẹ, hãy gắn hạnh phúc của con với chính bản thân con để tránh tình trạng gây ra áp lực cho các em. Hãy dành cho các em những cái ôm thật chặt, hãy dành 5 phút mỗi ngày nói chuyện, tâm sự, quan sát những thay đổi của các em. Bố mẹ phải gương mẫu, ứng xử công bằng, yêu thương với các thành viên trong gia đình. Con mình trở thành người như thế nào do chính cha mẹ dành yêu thương, sự hiểu biết và kiến thức khoa học trong nuôi dưỡng và chăm sóc con.
Xin cảm ơn ông!
NGỌC HÀ (thực hiện)