Người dân mua sắm hàng hóa trong một siêu thị ở Indonesia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Giá cả tiếp tục ở mức cao
Cụ thể, theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khu vực, người tiêu dùng cần chuẩn bị cho việc giá cả sẽ tiếp tục ở mức cao lâu hơn nữa, ngay cả khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất trong nỗ lực nhằm chống lại lạm phát.
Phát biểu tại Hội nghị Giám đốc Điều hành toàn cầu của Forbes lần thứ 20, ông V. Shankar, Giám đốc Điều hành Công ty Gateway Partners cho biết: “Lạm phát chắc chắn sẽ tồn tại trong một thời gian dài, bất chấp những động thái từ các ngân hàng trung ương, bởi vì có một số vấn đề về cơ cấu và khó giải quyết đã dẫn đến giá cả cao hơn”.
Được biết, hội nghị đã nhóm họp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân và nhà đầu tư hàng đầu đến tại Singapore trong 2 ngày 26-27/9 vừa qua, nhằm chia sẻ những hiểu biết sâu sắc, đồng thời tìm kiếm cơ hội và vạch ra con đường phía trước. Sự kiện được tổ chức khi thế giới đang tìm cách trở lại bình thường, sự phục hồi từ đại dịch diễn ra ở phần lớn các khu vực trên toàn cầu; dù vậy, các thị trường đang thay đổi theo mọi diễn biến cập nhật về tình hình kinh tế, địa chính trị và COVID-19, trong khi các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với tình trạng lạm phát và các động thái tăng lãi suất; căng thẳng toàn cầu leo thang giữa các cường quốc kinh tế lớn, với những ảnh hưởng được cảm nhận trên khắp thế giới.
Tại khu vực châu Á, Ngân hàng Trung ương Philippines đã thông báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 4,25% do lo ngại lạm phát sẽ tăng cao hơn so với dự báo. Hiện nay, lãi suất cơ bản của quốc gia này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tăng lãi suất chính sách từ 3,75% lên 4,25%, đây là tháng thứ 2 liên tiếp ngân hàng này tăng lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát, và bình ổn đồng nội tệ. Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thông báo tăng một loạt mức lãi suất điều hành thêm 1%.
Thay đổi về cơ cấu trong nền kinh tế toàn cầu
Ông V. Shankar cho rằng, trong khi lãi suất gia tăng cuối cùng có thể kiềm chế giá tài sản, thì xu hướng thoát khỏi toàn cầu hóa và quá trình khử carbon có thể tiếp tục làm tăng chi phí đối với các loại hàng hóa hàng ngày.
Bất chấp các chương trình hỗ trợ tài chính trực tiếp và chính sách lãi suất bằng 0, lý do khiến giá cả của hàng hóa giảm trong thời gian dài là do nhà sản xuất khổng lồ Trung Quốc, cùng với sự tích hợp của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự tích hợp đó đã mở đường cho hàng hóa rẻ hơn. Nhưng giờ đây, khi được xúc tác bởi đại dịch COVID-19, có những mối đe dọa mới đối với các chuỗi cung ứng đan xen toàn cầu, khi các quốc gia tìm cách đưa hoạt động sản xuất về nước, hoặc chuyển sang những quốc gia khác.
Trong một động thái liên quan hồi tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng phục hồi nhanh của chuỗi cung ứng, thông qua hợp tác kinh doanh với các quốc gia chia sẻ giá trị với Washington. Theo ông V. Shankar, điều này làm tăng giá cả trong bối cảnh hoạt động sản xuất sẽ không còn dựa trên các con số, hay những cân nhắc về chi phí.
Ngoài ra, các nỗ lực khử carbon cũng sẽ góp phần làm cho giá cả cao hơn, do không có đủ nguồn cung linh kiện cho các sản phẩm thân thiện với khí hậu để có thể đáp ứng nhu cầu. Chẳng hạn như, sản xuất và tiêu thụ than chì dùng làm vật liệu cho pin của xe điện trên toàn cầu đã được ghi nhận ở mức 1 triệu tấn vào năm ngoái; nhưng trong vòng 10 năm, con số này có thể sẽ tăng lên mức 5 triệu tấn. Trong khi đó, không có dấu hiệu cho thấy sản lượng tăng thêm sẽ đến từ đâu.
Cùng chung quan điểm với ông V. Shankar, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn khách sạn đa quốc gia Banyan Tree Holdings của Singapore, ông Ho Kwon Ping khẳng định, lãi suất cao hơn không phải là “bình thường mới”, mà đúng hơn là lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất thấp đã là một điều “bất thường”.
“Tình huống thực sự bất thường là giai đoạn mà chúng ta đã trải qua, khi mà các ngân hàng trung ương và các ngân hàng khác, có lẽ bây giờ khi nhìn lại, đã phản ứng quá mạnh, và chúng ta đã có một khoảng thời gian quá dài với lãi suất bằng 0 hoặc thậm chí là lãi suất âm”, ông Ho Kwon Ping nói thêm.
Ngoài ra, cho dù đó là xu hướng thoát khỏi toàn cầu hóa hay quá trình khử carbon, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Á nhận định lý do làm nổi bật những lo ngại này là sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Qua đó, ông Chairul Tanjung, Chủ tịch CT Corp, một trong những tập đoàn đa dạng hóa lớn nhất của Indonesia đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia xem xét một khuôn khổ mới để hợp tác với nhau tốt hơn.
“Giờ đây, mọi người, mọi quốc gia đều cố gắng giải quyết vấn đề của riêng họ, cố gắng chiến thắng tình hình”, ông Chairul Tanjung nhận định; đồng thời cho rằng, một cách quan trọng để tiến lên phía trước là tập trung vào các vấn đề toàn cầu quan trọng, chẳng hạn như vấn đề biến đổi khí hậu.
LÊ THẢO
(Tổng hợp và lược dịch từ CNBC, NHK & VCCI)