Đoàn khách Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm du lịch Huế
Nhiều hoạt động quảng bá điểm đến
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ khi Chính phủ có chủ trương mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch (15/3/2022), các địa phương đã rất chủ động chuẩn bị và triển khai các hoạt động kết nối phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, tổ chức đón, phục vụ khách nội địa và quốc tế. Chín tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đã đạt khoảng 87 triệu lượt khách, vượt kế hoạch cả năm là 60 triệu lượt; khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 400 nghìn tỷ đồng.
Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch thông tin, có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến dòng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều. Trong đó, khoảng 60-70% khách quốc tế đến từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn du lịch; việc kết nối thị trường của các doanh nghiệp sau dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn; thời gian qua chưa phải mùa cao điểm du lịch quốc tế; xung đột quân sự Nga – Ucraina; thiếu vắng văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài…
Theo Vụ Thị trường Du lịch, qua phân tích, thời gian đến cần tiếp tục khai thác các thị trường trọng điểm du lịch, như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ. Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, đặc biệt chú trọng yếu tố chất lượng khách. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên, sinh thái và du lịch thành phố. Bên cạnh đó, phát huy các sản phẩm du lịch mới theo xu hướng thị trường, như du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch golf…
Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút khách quốc tế là trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương trong cả nước đẩy mạnh hơn các hoạt động xúc tiến quảng bá. Cụ thể, sẽ tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam trong Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; Diễn đàn Du lịch Mê Kông được tổ chức tại Quảng Nam từ ngày 9-14/10/2022; Hội nghị hợp tác du lịch song phương Việt Nam - Singapore diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 7-11/11; Hội nghị hợp tác du lịch song phương Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 16-19/11; Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan ở Cao Hùng vào cuối tháng 10/2022.
Đặc biệt là Hội nghị thu hút du lịch nước ngoài vào Việt Nam dự kiến trong tháng 10/2022 với sự chủ trì của Lãnh đạo Chính phủ, sự tham gia của các Bộ, ban, ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, dự kiến sẽ tập trung vào một số nội dung chính, như chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam , hoạt động xúc tiến quảng bá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch và chuyển đổi số trong du lịch...
Cùng với đó, triển khai kế hoạch quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm quốc tế và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế quan trọng, như Hội chợ WTM tại London (Anh); Hội chợ Travex bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Indonesia; Hội chợ ITB tại Berlin, Đức… Đón các đoàn famtrip, presstrip nước ngoài vào Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số.
Ngành du lịch Huế giới thiệu điểm đến tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2022 cùng gian hàng chung 5 tỉnh, thành phố trong liên kết "Miền di sản diệu kỳ"
Liên kết để tạo sức hút vùng
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố trong cả nước đều cho rằng, xúc tiến quảng bá là giải pháp quan trọng hiện nay, nhằm kết nối lại các thị trường. Nhưng song song với đó là cần đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng diện miễn thị thực, kéo dài thời hạn miễn thị thực, mở cửa thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch.
Các địa phương đều cho rằng, Tổng cục Du lịch tiếp tục phát huy vai trò "nhạc trưởng" trong xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, để các địa phương cùng tham gia trong các hội chợ du lịch quốc tế, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế vào Việt Nam; quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế…
Tổng cục Du lịch đề nghị, dựa trên các kế hoạch của Tổng cục, ngành du lịch các địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình liên kết phát triển du lịch; trong đó, chú trọng yếu tố liên kết theo vùng, nhằm tạo ra những điểm nhấn có tính hấp dẫn cao để thu hút khách. Cùng với đó, các địa phương chủ động xây dựng và phát triển sản phẩm mới; xây dựng các tài liệu, ấn phẩm quảng bá du lịch phù hợp với xu hướng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng, nhằm chủ động các giải pháp khai thác khách quốc tế trở lại, Thừa Thiên Huế đang liên kết chặt chẽ với các địa phương trong khu vực miền Trung để tạo ra những sản phẩm mang tính kết nối, bổ trợ cho nhau hiệu quả. Trước đây là liên kết "Ba địa phương – Một điểm đến": Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam. Hiện đã mở rộng liên kết 5 địa phương: Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, với những thương hiệu được 5 địa phương tập trung quảng bá và có sản phẩm chung là “Miền di sản diệu kỳ”, hay “Con đường di sản miền Trung”.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để đề xuất những giải pháp đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các doanh nghiệp và các đối tác trong và ngoài nước nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Các ý kiến này sẽ được đưa vào nội dung thảo luận, đề xuất tại Hội nghị toàn quốc về thu hút du lịch nước ngoài vào Việt Nam được tổ chức trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Anh Tuấn – Đức Quang