Đó là nhận xét chung của đại diện TAND 2 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế sau nửa năm tổ chức PTTT.
Tòa án Nhân dân huyện Phú Lộc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến
Hiệu quả rõ rệt
Mới đây TAND huyện Phú Lộc tổ chức 4 PTTT các vụ án hình sự. Trên cơ sở phối hợp của TAND huyện với Viện Kiểm sát nhân dân, Công an huyện Phú Lộc và sự hỗ trợ của TAND tỉnh, các PTTT tổ chức tại 2 điểm cầu, gồm điểm cầu trung tâm tại hội trường xét xử TAND huyện và điểm cầu thành phần tại Nhà tạm giữ Công an huyện Phú Lộc.
Các PTTT diễn ra thuận lợi mà không phải trích xuất bị cáo đến tòa án; việc xét xử trực tuyến (XXTT) đảm bảo chất lượng, tất cả tình tiết nội dung của vụ án đều được người tiến hành tố tụng làm rõ; bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác được trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng công khai. Phiên tòa còn kết hợp chiếu các hình ảnh hiện trường vụ án, công bố lời khai của người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa để làm rõ hơn các tình tiết của vụ án.
Theo Chánh án TAND huyện Phú Lộc – ông Phan Sang, việc tổ chức PTTT đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, chính trị không chỉ cho tòa án mà cho cả các đương sự, phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất. Thời gian đến, TAND huyện Phú Lộc sẽ tăng cường tổ chức PTTT góp phần bảo đảm việc xét xử của TAND được nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa.
Xác định việc tổ chức PTTT là nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời là nhu cầu, xu hướng tất yếu của tòa án, TAND hai cấp đã xây dựng kế hoạch về xét xử trực tuyến để triển khai, tích cực thực hiện chủ trương đúng đắn, sát thực tiễn này và bước đầu đã đạt được nhiều thành công. Kết quả sau gần 6 tháng thực hiện, TAND hai cấp đã thực hiện thành công hơn 30 PTTT xét xử án hình sự. Ngoài ra, TAND tỉnh phối hợp với TAND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức 20 phiên tòa XXTT với điểm cầu thành phần tại TAND tỉnh.
Nâng cao tiến độ xét xử
Theo các thẩm phán, việc đưa công nghệ hiện đại vào để tổ chức PTTT rất có lợi cho chính quyền, người dân và xã hội. Địa bàn Thừa Thiên Huế trải dài hàng trăm cây số, mỗi lần đi xét xử rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức. Tổ chức một phiên tòa nếu vì tố tụng mà không xét xử được phải hoãn rất mất thời gian cho chính quyền, người dân, cho đương sự và cho cả cơ quan tòa án. Việc tổ chức PTTT là chủ trương, giải pháp đúng đắn, trợ xử lý giảm tải quá hạn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án giúp cho việc giải quyết án được kịp thời.
Chánh án TAND tỉnh Vũ Văn Minh khẳng định, Nghị quyết số 33 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đi vào cuộc sống. Hệ thống TAND 2 cấp của tỉnh đang tích cực XXTT đạt được những thành tích quan trọng. Việc tổ chức PTTT dù trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn về công nghệ, về cơ sở vật chất, về con người nhưng với sự nỗ lực tích cực tối đa của đội ngũ thẩm phán, thư ký, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết đoán của tập thể lãnh đạo, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, truyền tải một cách có hiệu quả Nghị quyết số 33 và chủ trương của TAND Tối cao về tổ chức PTTT.
Các PTTT mang lại hiệu quả cao, đảm bảo các quy định về tố tụng, tiết kiệm được chi phí, tiền bạc, vật chất, thời gian, công sức cho đương sự, chính quyền và tòa án. Qua thực tiễn XXTT, TAND hai cấp đã rút ra được nhiều bài học để triển khai được tốt hơn trong thời gian đến. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây chính là PTTT nhưng phải đảm bảo quyền tố tụng cho các đương sự. Việc triển khai thực hiện công tác XXTT hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay và góp phần nâng cao tiến độ xét xử các loại án nói chung, đặc biệt án hình sự và án hành chính. Việc XXTT còn góp phần thúc đẩy quá trình “chuyển đổi số”, xây dựng “Tòa án điện tử” của hệ thống TAND trong thời gian đến.
Nhằm đảm bảo cho việc tổ chức PTTT ngày càng tốt hơn và đạt hiệu quả, TAND hai cấp Thừa Thiên Huế đề nghị TAND Tối cao kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số nội dung Bộ Luật tố tụng liên quan đến công tác XXTT cho phù hợp với Nghị quyết số 33. Lãnh đạo TAND Tối cao cần chỉ đạo xuyên suốt việc tổ chức PTTT đến các TAND các cấp nhằm tạo sự phối, kết hợp và hỗ trong công tác xét xử. Nhà nước nên quan tâm tiếp tục đầu tư và hoàn thiện về hệ thống trực tuyến trong hệ thống TAND để đảm bảo sự đồng bộ về công nghệ. TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về người có thẩm quyền quản lý bị cáo bị tạm giam trong quá trình XXTT...
Bài, ảnh: Thái Bình