Theo phản ánh từ du khách, Phật tử, chúng tôi tìm về ngôi chùa cách TP. Huế chừng 50km theo hướng Quốc lộ 49B về cửa biển Tư Hiền. Ngôi chùa nằm ở vị trí đắc địa, nổi bật giữa khung cảnh hữu tình của núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và Biển Đông.

Dù hữu tình như thế, nhưng khi bước qua khỏi cổng ngôi cổ tự để tiến vào chánh điện mới hiểu hết những lo lắng của các sư thầy đang tu hành nơi này, khi thời gian gần đây chùa đang đối mặt với sự xuống cấp.

Bằng mắt thường khó có thể quan sát được, nhưng theo chỉ dẫn của một sư thầy trong chùa mới thấy được những khe hở của hệ thống mái ngói liệt từ trên rọi ánh nắng xuyên vào bên trong chánh điện. “Đây là trời nắng, chứ nếu mà mưa thì nước theo các khe hở này chảy mạnh, dội vào bên trong. Mỗi lần như thế các thầy lại thay nhau quét, lau”, một sư thầy nói.

Theo lời sư thầy này, phần dột nhiều nhất nằm bên trên lớp la phông ở giữa chánh điện, nơi đặt hệ thống các tượng Phật. Mưa cũng khiến xi măng và ngói vụn lâu ngày rớt xuống chánh điện rất nguy hiểm.

Hệ thống rường cột của chùa cũng có dấu hiệu xuống cấp do mối mọt. Dẫn chúng tôi lui sau góc chánh điện, thầy chỉ rõ những cấu kiện gỗ bị mối mọt “gặm nhắm” dù đã nhiều lần thuê người đến xử lý. Không riêng gì khu vực này, ở mái phía trước chánh điện cũng tương tự.

Đại đức Thích Minh Chính, Giám tự chùa Thánh Duyên cho biết, trước tình trạng xuống cấp này, nhà chùa sẽ cho trùng tu hệ thống mái ngói trước tiên để khắc phục mưa dột. Sắp tới chùa sẽ làm tờ trình, tham khảo cách làm hồ sơ quy hoạch tổng thể lẫn chi tiết để trình các cấp chức năng xin trùng tu lại những hạng mục xuống cấp.

Cũng theo Đại đức Thích Minh Chính, ngoài việc xuống cấp các hạng mục bên trong chùa, vấn đề mà chùa cũng rất lo ngại đó là tình trạng lấn chiếm hành lang đường dẫn từ bên ngoài Quốc lộ vào trong chùa. Vì thế cũng mong các cơ quan chức năng có ý kiến.

Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc cho hay, đã nắm được thông tin về tình trạng xuống cấp cũng như sạt lở đe dọa ngôi chánh điện của chùa Thánh Duyên. Liên quan đến việc sạt lở, ông Chung cho hay huyện đã có văn bản trình UBND tỉnh và được đồng ý cho tu bổ cấp thiết. Sau đó, phòng đã mời đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về họp bàn và đi đến thống nhất sẽ triển khai việc phòng, chống sạt lở khẩn cấp theo Luật Di sản. “Anh em vừa làm hồ sơ, vừa hợp đồng với đơn vị có năng lực tu bổ để bắt tay làm luôn”, ông Chung nói.

Riêng về việc xuống cấp một số hạng mục ở bên trong chánh điện, ông Chung nói rất khó để tu bổ ngay, vì việc này liên quan đến nguồn kinh phí phân bổ. Theo ông Chung, trong đề án tu bổ, phục hồi các di tích của tỉnh có đưa chùa Thánh Duyên vào danh mục giai đoạn 2028-2029.

Chùa Thánh Duyên được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725). Năm 1830 được vua Minh Mạng cho nâng cấp, xây dựng thêm một loạt công trình kiến trúc. Dưới triều Nguyễn đây là một quốc tự, được triều đình quan tâm trùng tu và cử các danh tăng về làm Tăng cang và Trú trì. Cảnh đẹp núi Túy Vân với thắng tích Thánh Duyên Tự được vua Thiệu Trị xếp hạng là cảnh đẹp thứ 9 trong hai mươi cảnh đẹp của đất Thần kinh với bài “Vân Sơn thắng tích” đi kèm với bức họa vẽ toàn cảnh chùa Thánh Duyên nổi bật giữa khung cảnh hữu tình của núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và Biển Đông.

NHẬT MINH