Các tấm pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện ở tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo Tờ The Straits Times, kế hoạch này vẫn đang chờ sự phê duyệt của hội đồng thành phố, song đã thu hút sự chú ý trên khắp Nhật Bản, sau khi được Thống đốc Tokyo Yuriko Koike công bố vào ngày 9/9 vừa qua.

Đáng chú ý, Tokyo sẽ là khu vực đầu tiên trong số 47 tỉnh của Nhật Bản thực hiện một sáng kiến ​​như vậy, trong đó sẽ bao gồm cả các tòa nhà chọc trời và những tòa nhà biệt lập. Nhật Bản có thể sẽ áp dụng chính sách này trên toàn quốc nếu thấy việc triển khai của Tokyo thành công.

Bên cạnh đó, thủ đô Nhật Bản xem đây là một bước đi quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu, bao gồm cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với mức được ghi nhận trong năm 2000, đồng thời đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tác động của chính sách này dự kiến ​​sẽ rất lớn, bởi Tokyo là tỉnh đông dân nhất của Nhật Bản với 14 triệu dân, cùng với đó là nền kinh tế của Tokyo chiếm đến 19% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Tờ The Straits Times, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho rằng, tác động của chính sách này sẽ được tăng lên đáng kể, bởi thực tế là khoảng 70% lượng khí thải carbon hiện tại ở Tokyo là từ các tòa nhà, trong đó 30% đến từ các hộ gia đình.

Ngoài ra, chính sách này cũng đảm bảo Tokyo sẽ trở nên độc lập hơn về nguồn cung điện, đặc biệt là trong thời gian thiếu điện hoặc các thảm họa có nguy cơ gây ra sự cố sập lưới điện quốc gia. Bà Yuriko Koike nói thêm, việc hành động trước biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn, trong bối cảnh các thảm họa nghiêm trọng như bão và mưa lớn đang ngày càng gia tăng.

Thanh Ngân (Lược dịch từ The Straits Times)