Cơn bão số 4 ảnh hưởng trực tiếp từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tan giữa tuần qua, khiến các cấp chính quyền và người dân thở phào nhẹ nhõm; đồng thời để lại những kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho nhiều địa phương.

Đến bây giờ có thể khẳng định, bão số 4 (tên quốc tế bão Noru) là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua ảnh hưởng đến đất liền nước ta, nhưng thiệt hại về người và tài sản lại nhẹ nhất so với các đợt thiên tai gần đây. Có được kết quả trên là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các lực lượng và người dân, với nhiều phương án sát thực tế, không chủ quan từ việc chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền, cắt tỉa cây xanh đến việc di dời dân ở vùng xung yếu… Tất cả được hoàn thành sớm trước khi bão vào. Nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão mạnh, được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi.

Điều đáng nói là sau khi bão tan, hoàn lưu của bão lại tạo mưa lớn gây sạt lở, ngập lụt nặng ở các tỉnh lân cận, vốn không nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 4; trong đó, nặng nhất là các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, với nhiều người thương vong, tài sản bị nhấn chìm, hạ tầng giao thông, thủy lợi bị tàn phá nghiêm trọng. Đây cũng là kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai cho nhiều địa phương, dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão nhưng cũng không thể chủ quan.

Trở lại ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên địa bàn tỉnh; tuy được đánh giá là đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại nhưng có 8 người bị thương, 6 nhà bị sập hoàn toàn, 419 nhà bị tốc mái; cùng hàng chục ha hoa màu, cây ăn quả, cây trồng lâu năm bị ảnh hưởng; hàng trăm cây xanh bị đổ, ngã; khoảng 3.245m bờ sông, bờ biển bị xâm thực, sạt lở. Nặng nhất là hai thôn Khánh Mỹ và Mai Vĩnh của vùng ven biển Vinh Xuân (Phú Vang) có 3 ngôi nhà bị sập; 53 nhà tốc mái hoàn toàn; 3 người bị thương nhẹ.

Sau khi bão tan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đã đến thăm, động viên và chia sẻ khó khăn với các hộ gia đình bị thiệt hại nặng tại Vinh Xuân. Cùng với biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung phòng, chống bão, khắc phục thiệt hại, giúp dân sớm ổn định cuộc sống, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu, địa phương và các sở, ngành cần đánh giá công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành, đề ra các giải pháp, nhằm ứng phó với những cơn bão khó lường, bất thường trong thời gian tới…

Thực tế thời gian này mới đầu mùa mưa bão. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những tháng cuối năm này, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nhất là tại Trung Bộ, Tây Nguyên…

Cơn bão số 4/2022 sẽ là bài học kinh nghiệm quý; từ công tác dự báo, đến lãnh đạo, điều hành và sự tự giác chấp hành của người dân trong phòng, chống thiên tai thời gian đến, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hiệt hại khó lường do thiên tai gây ra.

ĐẶNG THÀNH