Cán bộ xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: LT

Khái niệm nghỉ việc ở đây, có lẽ nên được hiểu là họ không còn làm việc ở khu vực công nữa. Thế thì gần 40.000 người này đi đâu, họ làm việc gì? Có một điều chắc chắn là họ không “nghỉ hưu”. Đến đây thì chúng ta có thể khẳng định họ chuyển dịch công việc ra khu vực tư, có thể là doanh nghiệp hoặc làm tự do.

Nền kinh tế phát triển đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân. Công nghệ phát triển đã tạo ra nhiều ngành nghề mới; điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đòi hỏi tạo ra những dịch vụ mới để đáp ứng yêu cầu…

Ở Thừa Thiên Huế, khu vực dịch vụ chiếm 48,23% của nền kinh tế (tính đến giữa năm 2022), tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trên qui mô cả nước, số liệu cho thấy 9 tháng đầu năm 2022 khu vực dịch vụ tăng đến 10,57%, đóng góp hơn 54% nền kinh tế. Những số liệu nêu trên cho thấy cả nền kinh tế đất nước cũng như riêng ở Thừa Thiên Huế đòi hỏi ngày càng nhiều lao động. Có thể số công chức, viên chức nghỉ việc ở khu vực công sẽ tham gia vào khu vực kinh tế này!

Chuyện gần 40.000 người rời bỏ khu vực công trong một thời gian ngắn không phải là chuyện bình thường mà có thể gọi là bất thường. Vì từ trước đến nay chưa bao giờ có hiện tượng này. Rất có thể khu vực công không còn hấp dẫn đối với nhiều người? Nếu đúng như vậy thì cũng là vấn đề đáng báo động cho nguồn nhân lực ở khu vực công. Ví dụ, sự đòi hỏi công việc ở hai khu vực này hoàn toàn khác nhau mà thường là khu vực tư đòi hỏi cường độ lao động, năng suất lao động, hiệu quả công việc cao hơn khu vực công. Đơn giản là vì nếu họ không cố gắng trong công việc thì không thể cạnh tranh được, thậm chí là không thể tồn tại và phát triển. Đó là chưa nói đến chuyện sở hữu, sở hữu tư là “tiền tươi thóc thật”, của chính mình. Gốc gác của sở hữu là sẽ thúc đẩy công việc, năng suất lao động và hiệu quả… Để có được những thành quả này thì khu vực tư phải tạo ra nhiều điều cho người lao động: từ lương thưởng, môi trường làm việc, điều kiện lao động, phúc lợi cho người lao động… phải ngày càng tốt hơn để vừa giữ chân người giỏi lại vừa thu hút những người giỏi từ các nơi đến.

Dịch chuyển từ một nơi ít tính cạnh tranh hơn sang nơi có tính cạnh tranh cao hơn thì chúng ta có thể hiểu, những người đó ít nhất là có năng lực thực hành công việc tốt. Nếu đúng như thế thì đó là những “mất mát” về nguồn nhân lực cho khu vực công.

Một cách hiểu ngược lại là khu vực công có ít người giỏi hơn. Ít người giỏi hơn thì làm sao không ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc công.

Nhưng chúng ta cũng không nên lo lắng. Có thể khu vực công bị thiệt thòi về nguồn nhân lực nhưng tổng thể lợi ích xã hội thì không thiệt. Số liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy, trong gần 40.000 người rời khỏi khu vực công thì có hơn 16.000 thuộc khối giáo dục, 12.000 người thuộc khối y tế. Giả sử như tất cả những người này tiếp tục làm việc ở khu vực tư với ngành nghề cũ của mình thì lợi ích của xã hội vẫn không bị bào mòn. Với sự năng động của khu vực tư, có khi lợi ích của xã hội còn đạt được cao hơn.

Và biết đâu, từ sự kiện dịch chuyển lao động gây sự chú ý nêu trên là một cơ hội để khu vực công nhìn lại mình: điều kiện, môi trường làm việc của mình thế nào, chế độ đãi ngộ ra sao; những phúc lợi tạo ra cho người lao động đã tốt chưa…? Nếu chưa thật sự tốt thì phải cải cách, cải tiến ra sao để đảm bảo cung ứng ngày càng tốt hơn các loại dịch vụ công.

Nguyên Lê