“Cuối tuần, em lại xuống một phòng khám ở thị xã Hương Thủy để làm thêm!”. Tháng trước, bác sĩ T. ở một phòng khám trên địa bàn thành phố Huế cho tôi hay. Hỏi vì sao không kiếm nơi nào gần hơn, T. nói chỗ nào cũng đã có người, nên đành phải chịu khó. Lương của T. đâu gần bảy triệu đồng mỗi tháng, cộng với khoản thu nhập tương đương của chồng, vẫn khá rối để lo cho cả gia đình. Tiền ăn cho cả gia đình, tiền học thêm cho hai đứa con, tiền phụ giúp cho cha mẹ hai bên hàng tháng, tiền cho việc hiếu, việc hỷ, thăm nom… khiến vợ chồng cô lắm áp lực khi phải thường xuyên gói ghém, xoay xở.

T. chỉ là một trong những trường hợp mà tôi gặp khi trò chuyện về việc các bác sĩ ở khu vực công dịch chuyển sang khu vực tư, đang trở thành một vấn đề thời sự trong thời gian gần đây. Khoảng 12.000 nhân sự trong lĩnh vực y tế trên toàn quốc nghỉ việc trong khoảng thời gian một năm rưỡi, kể từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là con số mà Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hồi đầu tháng. Dịch bệnh trong hơn 2 năm qua đã cho thấy đây là một lĩnh vực thu nhập còn thấp so với tương quan mặt bằng chung, lại nhiều áp lực và rủi ro. Trong khi đó, các cơ sở y tế ở khu vực tư lại thường xuyên “chiêu mộ” với mức lương hàng tháng hấp dẫn và linh hoạt hơn.

Còn thiếu hơn 100.000 giáo viên trên địa bàn cả nước là điều mà ngành giáo dục đang phải đối diện trong năm này. Việc bổ sung thêm 65.000 giáo viên trong giai đoạn 2022-2026 theo kế hoạch đã được phê duyệt sẽ là điều khó khăn, khi chỉ trong năm 2022, cả nước có trên 16.000 giáo viên bỏ việc. Bình quân cứ 100 nhà giáo thì 1 người ra khỏi ngành – theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội. Đây là con số đang lưu tâm. Xét trong mối tương quan, tình trạng xin thôi/nghỉ việc ở lĩnh vực giáo dục trội hơn hẳn so với bên lĩnh vực y tế. Tại “Góc nhìn” trên VnExpress ngày 1/10/2022 (tác giả Trương Chí Hùng), được dẫn theo nghiên cứu vào năm 2019 của Value Champion - trang phân tích tài chính nổi tiếng có trụ sở tại Singapore về lương trung bình với bình quân GDP đầu người/mỗi quốc gia của giáo viên phổ thông trên 16 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, Pháp -  thì lương giáo viên Việt Nam thấp nhất, đứng cuối trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ này.

Thu nhập vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với người lao động. Bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố khác kèm theo như điều kiện và môi trường làm việc; cơ hội (thăng tiến, có công việc tốt hơn hay thu nhập cao hơn); được đánh giá đúng năng lực, sở trường… sẽ quy định việc giữ chân người lao động như thế nào. Điều này cũng loại trừ tình trạng nhảy việc như vẫn hay xảy ra ở các thành phố lớn và đó là một câu chuyện khác. Đây chắc chắn là vấn đề mấu chốt khi Bộ Nội vụ, với vai trò và trách nhiệm của mình cho hay sẽ chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương vào thời điểm phù hợp; tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công và hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… dựa trên những điều kiện kinh tế cụ thể.

Vẫn xác định không nghỉ việc, và tình hình chung là đa phần anh chị em bám ngành, bám nghề nhưng bác sĩ T. cũng chia sẻ rằng, cô vẫn thu xếp thời gian làm thêm ngoài giờ, và cũng bắt đầu “nghĩ ngợi” khi một vài đồng nghiệp đã tìm được việc mới, thu nhập ở nơi mới cao hơn vài con số. Thu nhập được cải thiện, có cơ hội để nâng trình độ chuyên môn, tay nghề có lẽ là ước mong không chỉ của bác sĩ T. và không chỉ của riêng những người đứng chân ở ngành y.

Lê An Bình