Mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ban hành hướng dẫn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 “về tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh”.
Hướng dẫn yêu cầu việc triển khai phải gắn với thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc “tự soi, tự sửa” phải được xem xét, đánh giá khách quan, trung thực, cụ thể. Đối với các chi bộ phải xây dựng kế hoạch cụ thể về “tự soi” trong sinh hoạt chuyên đề, tập trung vào những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ, đề ra kế hoạch "tự sửa" của tổ chức.
Đối với đảng viên, chủ động đề ra kế hoạch để tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, trong đó chú trọng nội dung “tự soi, tự sửa” của bản thân để ngày càng hoàn thiện.
Sinh thời, nói về công tác cán bộ, rèn luyện nhân cách, đạo đức của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đã không tự biết mình thì khó mà biết người. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải trái ở người thì trước hết phải biết đúng sự phải trái ở mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”.
Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Đảng quan tâm với nhiều nghị quyết, giải pháp, chương trình hành động. Mới đây nhất là Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Để chống phá thành trì chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch đã và đang âm ưu tạo “diễn biến hòa bình”, tìm cớ để gây ra những bất ổn chính trị, nhằm mục đích “bạo loạn, lật đổ’’. Tuy nhiên, kẻ thù đáng sợ, nguy hiểm hơn chính là “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong từng cá nhân, từng tổ chức, với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, bàn về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Bác Hồ viết: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình”. Đối với người đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích”.
Số liệu được công bố tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức cuối tháng 6/2022 cho thấy, qua công tác kiểm tra, giám sát, các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên; trong đó, có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành xử lý kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; trong đó, có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Thực tế trên cho thấy, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, việc phòng, chống căn bệnh “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh những ràng buộc, chi phối của các quy định, luật lệ, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, thường xuyên, hàng ngày, suốt đời “tự soi, tự sửa”.
Tự soi tự sửa là để tránh tự kiêu, tự đại, tự mãn; luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết; không nịnh hót người trên, không xem thường người dưới. Tự soi tự sửa là để cố gắng làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng. Việc thiện thì dù khó mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Một khi, mỗi hành động của từng cán bộ, đảng viên được soi rọi bằng lương tri, đạo lý, thì cuộc chiến chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ đạt được hiệu quả bền vững.
Nhật Nguyên