Dạy trẻ khám phá thế giới xung quanh
Nhìn từ Phong Xuân 1
Được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phong Điền chọn làm điểm thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, Trường mầm non Phong Xuân I (xã Phong Xuân) phối hợp với cha mẹ học sinh cải tạo, quy hoạch, bố trí tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp.
Bên trong các lớp học, nhà trường chỉ đạo các lớp trang trí lớp học, bố trí góc chơi hợp lý, cô và trẻ đã làm thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học. Bên ngoài lớp học, làm mới thêm khu vui chơi với các trò chơi dân gian, khu vui chơi với cát sỏi nước, khu hoạt động nghệ thuật, đồng thời làm và mua sắm thêm 12 thiết bị đồ chơi ngoài trời để tạo cơ hội cho trẻ được chủ động tham gia vui chơi và khám phá.
Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên nhà trường cảm nhận, từ khi triển khai chuyên đề, tôi đã nhận thấy được sự đổi thay trong việc dạy học. Giáo viên đã biết sắp xếp, bố trí các góc khu vực chơi, sao cho hợp lý, biết tổ chức các hoạt động theo hướng sáng tạo, linh hoạt để cho trẻ tích cực trong việc xây dựng môi trường. Đối với trẻ, đã tích cực hứng thú tham gia các hoạt động, biết thực hành khám phá trải nghiệm, những gì mà trẻ thích.
Với điểm sáng Phong Xuân 1, sau hơn 5 năm thực hiện, từ cấp học chỉ được xem là nhà trẻ, nơi giữ trẻ, hay là ngành học tiền học đường, thì nay với sự vào cuộc của toàn xã hội, sự đổi mới trong chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, GDMN được đầu tư và chú trọng nhiều vào chất lượng. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để bậc GDMN huyện Phong Điền và toàn tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, theo hướng đổi mới khoa học, sáng tạo nhân văn trong những năm tiếp theo.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục
Triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” là nội dung đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của ngành GDMN Thừa Thiên Huế. Năm học 2021 - 2022, chuyên đề được triển khai với chủ đề “Xây dựng môi trường xanh - an toàn - thân thiện - lấy trẻ làm trung tâm”. Năm học 2022 - 2023, tiếp tục được mở rộng tại một số các trường học. Kết hợp với kế hoạch kiểm tra nhiệm vụ khác của năm học, chuyên đề hướng tới xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục; lồng ghép thực hiện các quy định về trường học an toàn trước dịch bệnh, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, cũng từ năm học 2021 - 2022, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện tích hợp giáo dục “Văn hóa địa phương” vào chương trình GDMN; chỉ đạo cơ sở tổ chức giao lưu “ Bé khéo tay” cấp cơ sở với chủ đề “Bé với Di sản Văn hóa Huế” và các hoạt động tham quan trải nghiệm các danh lam, thắng cảnh, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương, tạo được sân chơi vui tươi, lành mạnh cho các cháu. Chuẩn bị cho hội thi tổ chức vào năm học 2023 - 2024, các phòng GD&ĐT được yêu cầu chỉ đạo cụm liên trường tổ chức trưng bày “Thiết bị đồ dùng, đồ chơi tự làm dành cho độ tuổi nhà trẻ” để các cán bộ, giáo viên các đơn vị trên địa bàn có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, làm thêm thiết bị cho các cháu độ tuổi nhà trẻ, đáp ứng đủ nhu cầu chơi của trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm khi ngân sách còn khó khăn.
Thời gian qua, cùng với tổ chức tập huấn, các phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GDMN xây dựng được các video hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà bằng các ứng dụng phổ biến (như Capcut), duy trì và tương tác với gia đình thông qua các nhóm Zalo, Viber, Website nhà trường... nhằm đạt được mục tiêu dạy học trong bối cảnh phải vừa chống dịch COVID-19 và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía gia đình trẻ. Đồng thời, khai thác hiệu quả các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung, đáp ứng yêu cầu công nghệ số, từng bước thử nghiệm và sử dụng phần mềm phân hệ lập kế hoạch giáo dục trong năm học.
Tiền đề tốt để phát triển
Thừa Thiên Huế hiện có 204 trường mầm non (183 trường công lập và 21 trường tư thục); 85 cơ sở GDMN độc lập và tư thục; 2.411 nhóm, lớp. Khảo sát đáng mừng khi toàn tỉnh có 2.411 phòng học đảm bảo 1 phòng học/1 lớp; trong đó, phòng học kiên cố 1.895 phòng, đạt tỷ lệ 78,6%. Có 1.814/2.411 nhóm lớp có đủ bộ thiết bị đồ dùng, đồ chơi, đạt tỷ lệ 75,1%; riêng lớp mẫu giáo 5 tuổi có 612/612 lớp, đạt tỷ lệ 100%. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 112/204 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 54,9%.
Thống kê đến giữa năm 2022, ngành học mầm non Thừa Thiên Huế có 7.503 cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó, có 5.106 giáo viên, định mức giáo viên/lớp của trường công lập là 2,1 (tính cả giáo viên hợp đồng). Toàn cấp học có 1.837 nhân viên. Đa số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ổn định tư tưởng, luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; 93% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn theo quy định.
Xu hướng đổi mới GDMN hiện nay hướng đến việc giúp trẻ có thể tự khám phá, tìm hiểu bằng chính sự sáng tạo của mình một cách tự nhiên nhất có thể, giúp mang lại sự hứng thú cho trẻ. Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đảm bảo là cơ sở để ngành học mầm non tiếp tục triển có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” và triển khai thí điểm chương trình GDMN mới; qua đó, thực hiện đạt tỷ lệ chung toàn tỉnh ở độ tuổi nhà trẻ trên 38%, độ tuổi mẫu giáo đạt trên 93%, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt trên 99% trong năm học này, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Bài, ảnh: Huế Thu