Các bé được dạy tính tự lập qua các trò chơi

Sinh năm 1998, người mẹ trẻ Nguyễn Thị Quỳnh Nga, TP. Huế có cô con gái năm nay lên 2 tuổi, xinh xắn và bụ bẫm. Khi con đến tuổi đi nhà trẻ, Quỳnh Nga đã cất công tìm trường học cho con. Quỳnh Nga bảo, cô muốn thay đổi phương pháp giáo dục truyền thống như của bà, của mẹ mà thay vào đó bé sẽ học theo chương trình giáo dục quốc tế, giúp con phát triển tính tự giác và chủ động.

Montessori là phương pháp giáo dục mới mà Quỳnh Nga hướng đến. Thực ra, phương pháp này không mới, khởi nguồn từ một “Nhà trẻ – Casa dei Bambini” ở Rome (Ý) và đã trải qua hơn 100 năm; đến nay, được nhân rộng ở hơn 110 quốc gia trên thế giới. Montessori bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2003 và đã có khoảng trên 100 trường mầm non tư nhân áp dụng mô hình này để đưa vào giảng dạy. Ở Huế, đã có một số trường mầm non tư thục áp dụng phương pháp giáo dục Montessori chuẩn quốc tế và nhu cầu của phụ huynh như chị Quỳnh Nga ngày càng nhiều.

Mức học phí phụ huynh bỏ ra ở các trường tư thục từ 3,5 đến 4 triệu đồng/em/tháng. Tuy nhiên, các em không được giáo viên “phục vụ”, không “làm hộ” cho trẻ mà để các bé có ý thức tự lập, không dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người lớn. Các trường tạo môi trường và khuyến khích trẻ phát huy tính tự lập bằng cách: cho các bé tự xúc cơm ăn, rót nước, tự đi vệ sinh, đi giày dép, tự lựa chọn quần áo mặc trước khi đến trường thay vì chuẩn bị sẵn cho trẻ. Các em được tiếp xúc và trải nghiệm với đồ vật thật, như dao, kéo, cốc thủy tinh… nhưng được hướng dẫn cách sử dụng và giải thích cho trẻ hiểu mức độ nguy hiểm khi sử dụng không đúng cách. Với phương thức này giúp trẻ tự lập và tự chủ trong mọi hoạt động.

Sau hơn 3 tháng con theo học phương pháp Montessori, chị Nga thấy hài lòng khi con không còn dựa dẫm vào mẹ. Chị thấy con tự tin, nhanh nhẹn hơn, nhất là giúp bố mẹ những việc vặt trong nhà, như: Tự gấp quần áo, cho rác vào thùng, quét nhà, nhặt cỏ cho cây cảnh, chậu hoa… Đó là những kỹ năng cần thiết để khi con vào lớp 1, tự tin hơn và hòa nhập tốt với môi trường mới.

Khi đề cập về phương pháp Montessori đã có mặt ở Huế trong nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Phương Nam, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Thủy Tiên thông tin, phương pháp giáo dục Montessori gồm 5 lĩnh vực: Văn hóa - địa lý, toán học, thực hành cuộc sống, ngôn ngữ và giác quan. Hiểu rõ đây là phương pháp lấy khả năng tự học là nền tảng nên khi thực hành giảng dạy chúng tôi thường chú trọng đến việc quan sát, chỉ đưa ra gợi ý, không áp đặt và hỗ trợ khả năng tự phát triển của trẻ. Trẻ được học theo khả năng, mức độ khó trong chương trình học sẽ chỉ tăng lên khi trẻ đã tiếp thu tốt. Vì vậy, nhận được sự ủng hộ từ phía cha mẹ học sinh do những lợi ích của phương pháp mang lại.

Vẫn còn không ít băn khoăn, liệu về nhà, các bé có áp dụng được phương pháp này khi gia đình thường thiếu các dụng cụ hỗ trợ. Thực ra, phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường không có nghĩa là bê nguyên xi các bộ giáo cụ dạy học ở trường về nhà. Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý giáo dục, cách phối hợp đơn giản nhất giữa hai môi trường là cho các con được tiếp xúc với các dụng cụ sử dụng hàng ngày tại gia đình để trẻ được vận động và rèn luyện kỹ năng tự lập.

Bài, ảnh: Đan Duy