Nhờ cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói, sản phẩm yến sào xứ Huế Anna phát triển thị trường rộng lớn hơn
Yêu cầu tất yếu
Qua thống kê sơ bộ tại một số DN trên địa bàn tỉnh, chi phí đầu tư cho nghiên cứu, triển khai cũng như tỷ trọng thiết bị, công nghệ cao ở mức thấp, hợp đồng chuyển giao công nghệ của DN chưa nhiều, thiếu vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị,... và trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất ở các DN nhìn chung vẫn còn thấp. Điều này dẫn đến hạn chế khả năng cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu rộng.
Trước thực trạng số lượng DN tiên phong đổi mới, cải tiến công nghệ vẫn còn hạn chế, nên việc khuyến khích DN ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) vào sản xuất, kinh doanh là cần thiết. Việc làm này được thực hiện thông qua hỗ trợ các DN tham gia vào các dự án KH&CN, hướng dẫn cách thức tiếp cận các chính sách về đổi mới, cải tiến công nghệ và chuyển giao công nghệ...
Được sự hỗ trợ của Quỹ KHCN, vừa qua, Hộ kinh doanh yến sào xứ Huế Anna triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông qua Dự án đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói sản phẩm yến sào. Trước đây, cơ sở chưng yến hũ bằng phương pháp thủ công, sử dụng nồi điện quy mô nhỏ, thiết bị lọc nước chủ yếu lọc thủ công thông qua bể lắng, nên chất lượng nước sử dụng trong sản xuất yến chưa được tinh khiết, ảnh hưởng đến chất lượng cảm quan cho đầu ra của sản phẩm. Nồi hấp tiệt trùng bằng điện công suất nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Thêm vào đó, công nghệ chiết rót yến chưng vào hũ sử dụng bằng tay dẫn đến sản lượng thấp, chi phí cao, khiến sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, Hộ kinh doanh Yến sào xứ Huế Anna đã đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất yến sào quy mô lớn, gồm: thiết bị lọc nước tự động RO quy mô 500 lít/giờ giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm; thiết bị chưng yến tiệt trùng tự động thể tích 70 lít/mẻ giúp tiêu diệt hoàn toàn các vi khuẩn và vi sinh vật dưới sự tác động từ hơi nước bão hòa trong điều kiện áp suất cao; thiết bị chiết rót bán tự động 10-20 sản phẩm/phút; máy siết nắp bán tự động 10- 20 sản phẩm/phút và máy co màng dạng lưới.
Nhờ cải tiến, đổi mới công nghệ, nên không chỉ chi phí sản xuất giảm, doanh thu, lợi nhuận tăng mà còn giúp cơ sở phát triển thị trường, xúc tiến thương mại ra ngoại tỉnh, tham gia đấu thầu vào các hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Vinmart, Lotte Mart... Ngoài ra, sản phẩm Yến sào Anna đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt Tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao. Đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, tăng thị phần lên 40%-50% so với những năm trước.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Hộ kinh doanh Yến sào xứ Huế Anna là một trong số những DN tham gia đổi mới, cải tiến công nghệ và chuyển giao công nghệ và đã đem lại những thành công bước đầu. Thời gian qua, Sở KH&CN đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng các công nghệ quản lý tiên tiến… trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã hỗ trợ dự án đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói sản phẩm tinh dầu tại Công ty CP Đầu tư phát triển Công Thành; công nghệ sấy dược liệu y học cổ truyền tại Hộ kinh doanh Tôn Thất Thống, Thanh Vui...; hỗ trợ sản xuất và hoàn thiện quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo cá ong bầu phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, ngành KHCN đã hỗ trợ cho hàng chục tổ chức, cá nhân, DN áp dụng hệ thống quản lý thực hành tốt theo tiêu chuẩn VietGAP; hệ thống quản lý tiên tiến về chất lượng, môi trường, an toàn thực phẩm, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến; công nghệ mã số, mã vạch sản phẩm; xây dựng về kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh...
Đến nay, Sở KH&CN đã hỗ trợ được trên 80 DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ. Các chính sách KH&CN bước đầu đã dần đi vào thực tiễn, tạo ra nhiều tác động xã hội tích cực trong việc hỗ trợ một phần chi phí, giúp các DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn về mặt tài chính. Qua đó, tạo động lực tích cực để DN mạnh dạn đầu tư, cải tiến trang thiết bị máy móc, nhà xưởng...; góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho DN và sức cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập.
Tháng 5 vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - Sở KH&CN khai trương Sàn Giao dịch công nghệ và Điểm kết nối cung - cầu công nghệ cũng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DN trong việc tiếp cận, tìm kiếm, chuyển giao các thiết bị công nghệ mới, tiên tiến từ trong nước và ngoài nước, giúp DN phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập quốc tế. Không chỉ DN hưởng lợi, người tiêu dùng còn được sử dụng sản phẩm an toàn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội trong giữ gìn và bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Thời gian đến, ngành KHCN tiếp tục hỗ trợ DN tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ, để DN thực sự là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hóa các thành tựu KH&CN vào cuộc sống. Việc hỗ trợ thông qua các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trực thuộc Bộ KH&CN, hay các quỹ đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG