Nhiều người đến hàng hóa ký gửi trên xe khách tại bến xe phía bắc TP. Huế

Dễ dãi và dễ rủi ro

Chị họ tôi làm nghề chế biến mắm ruốc chuyển bán ở Gia Lai và Đắc Lắc thông qua những chuyến xe liên tỉnh. Bình quân mỗi tháng không dưới 2 lần, chị bao gói hàng chuyển đến bến xe phía nam TP. Huế. Tại các dịp như thế, tài xế và phụ xe đon đả đón hàng, hỏi địa chỉ người nhận nhưng chẳng mấy khi hỏi giấy biên nhận, mặt hàng gửi là gì...

Nhiều trường hợp cho rằng, việc gửi và nhận hàng trên các chuyến xe khách rất đơn giản, chủ yếu dựa vào uy tín của nhà xe và thỏa thuận miệng giữa đôi bên chứ không chịu bất kỳ ràng buộc về mặt thủ tục, hóa đơn, chứng từ. Không chỉ nhận hàng ở các bến xe, đa số nhà xe còn tạo thuận lợi cho khách bằng việc nhận hàng ở dọc đường, thậm chí tại nhà.

Quá dễ dàng trong việc gửi và nhận hàng đã giúp cho dịch vụ này dần trở thành lựa chọn quen thuộc mỗi khi người dân có nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội, ngoại tỉnh. Tuy nhiên, do không được kiểm soát một cách chặt chẽ, dịch vụ này đã phát sinh nhiều rủi ro. Chẳng hạn, trong số HHKG có cả hàng dễ gây cháy nổ, hàng gian, hàng cấm, như ma túy, pháo nổ, súng…

Giữa tháng 8, Phòng CSGT Công an tỉnh phát hiện lượng lớn thuốc lá nhập lậu trong ôtô mang BKS77C-102.21 do tài xế Lương Quang Tịnh (Phù Mỹ, Bình Định) điều khiển theo hướng bắc - nam qua đoạn tránh TP. Huế. Tại thời điểm đó, qua kiểm tra, trên xe này chở 6.000 gói thuốc lá nhãn hiệu Jet không có hóa đơn chứng từ kèm theo và tài xế Lương Quang Tịnh khai nhận chở số thuốc lá trên cho một người lạ lấy tiền công.

Trước đó, cũng tại tuyến đường tránh TP. Huế (đoạn gần cầu Tuần), Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Huế phát hiện ô tô biển kiểm soát 89H - 003.50 do Trần Đình Vượng (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc) điều khiển chở các mặt hàng cấm, gồm: 10 khẩu súng đồ chơi trẻ em nguy hiểm, 1 súng bắn điện, 124 cái thuốc lá điện tử, 1 bộ máy thuốc lá điện tử, 4 chai tinh dầu thuốc lá điện tử, 12 bao xì gà các loại...

Dù đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm trong vận chuyển HHKG, nhưng các doanh nghiệp KDVT vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực trong việc kiểm tra. Nhiều lái xe, phụ xe còn xem việc vận chuyển hàng hóa là cơ hội có được thu nhập tăng thêm. Các chủ xe cũng khó kiểm soát được việc vận chuyển phát sinh này.

Khóa chặt "khe hở"

Quy định mới đang được dư luận đặc biệt quan tâm vì cho rằng rất cần thiết, nhất là góp phần kiểm soát hàng gian, hàng cấm qua đường vận chuyển xe khách hiệu quả. Trường hợp khi phát hiện vi phạm sẽ có căn cứ để xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải -Đăng kiểm Sở GTVT cho biết, sau khi Nghị định 47 có hiệu lực, Sở đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị KDVT trên địa bàn thực hiện.

"Trước đây, việc HHKG trên xe khách chưa được quy định cụ thể và chưa có sự ràng buộc giữa các bên liên quan. Nghị định 47 quy định khá chặt chẽ, giúp cho việc giao, nhận hàng hóa đảm bảo an toàn. Điều này tốt cho các bên, từ người gửi, người nhận đến nhà xe" - ông Hồng nói.

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Bến xe Huế cho rằng, việc kiểm soát chặt chẽ HHKG trên xe khách để ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm được đơn vị phối hợp thực hiện nhiều năm nay. Hiện nay các bến xe ở địa phương tích cực triển khai nội dung Nghị định 47 đến đội ngũ nhân viên và các đơn vị KDVT về việc HHKG trên xe khách. Cụ thể, khi khách mang hàng đến, nhân viên nhà xe yêu cầu cung cấp thông tin của người gửi, người nhận, địa chỉ, loại hàng hóa, trọng lượng... Sau khi nắm thông tin đầy đủ, nhân viên sẽ thông báo khung giờ xe đi và đến, cung cấp số điện thoại của tài xế, nhân viên trên xe để khách liên lạc và nhận hàng.

Tuy nhiên, cũng có một số người dân lo lắng việc cung cấp quá chi tiết về thông tin cá nhân dễ dẫn đến thông tin bị “lộ”. Những thông tin này có thể bị kẻ xấu khai thác để làm điều sai trái, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Đăng kiểm, Sở GTVT, những quy định mới đi vào thực tế trong thời gian ngắn nên chưa nhận phản ảnh gì về phía khách hàng. Hiện nay, Sở đang theo dõi để tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai có gặp khó khăn, vướng mắc thì sẽ phối hợp xử lý. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo bộ, ngành cấp trên hướng dẫn, giải quyết.

Nghị định 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 về kinh doanh, điều kiện KDVT bằng ôtô. Theo đó, kể từ ngày 1/9/2022, người gửi hàng trên xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh Nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Bài, ảnh: Song Minh