Sách giáo khoa mới đa dạng về cách trình bày thu hút học sinh. Ảnh: Lê Vân

Chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu xã hội 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Chất lượng sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Hiện nay, việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là dạy theo chương trình chứ không phải là dạy theo SGK như trước nhưng SGK vẫn là “khuôn vàng thước ngọc”, phải đảm bảo sự chuẩn mực, yêu cầu rất cao về độ chính xác”. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng chỉ ra một hạn chế của sách giáo khoa mới chính là giá sách. Thực tế cho thấy, các yếu tố cấu thành giá SGK mới còn cao hơn so với các yếu tố cấu thành giá của SGK cũ. Chưa kể, việc lựa chọn SGK cũng có những khó khăn trong quá trình triển khai.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đánh giá, các SGK đã có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục. 

Các SGK khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau làm đa dạng các bộ SGK, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá. Tuy nhiên, một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học, hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các sách khác nhau. Một số bản mẫu có lỗi về nội dung, chính tả, ngôn ngữ, hình ảnh…

Ngoài ra, việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội; gây băn khoăn trong dư luận. Thực tế cho thấy, thời gian qua, chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia biên soạn sách giáo khoa. Quá trình tổ chức biên soạn, xây dựng bản mẫu, tiến hành thực nghiệm, nghiệm thu, lựa chọn sử dụng được thẩm định và kiểm soát chặt chẽ. Có 7 nhà xuất bản có chức năng biên soạn sách giáo khoa và đến nay đã có 6 nhà xuất bản trực tiếp tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa của 6 khối lớp: 1,2,3,6,7,10.

Tăng cường kiểm soát 

Nhìn nhận được những mặt hạn chế cũng như khó khăn trong quá trình triển khai sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra các giải pháp. 

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định tại Thông tư số 05 từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh hoạ của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lột trình. Bộ cũng tăng cường công tác thực nghiệm sách giáo khoa, khai thác góp ý sau thực nghiệm. Đồng thời, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK.

Một giải pháp nữa là Bộ GD&ĐT tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK; Đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục; đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án.

Về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đảm bảo tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình để giảm giá sách cũng như đảm bảo hiệu quả bài học.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK; dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền; tăng cường việc tiếp nhận ý kiến đề xuất lựa chọn SGK từ các cơ sở giáo dục phổ thông của hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh.

Theo Báo Tin tức